Đồng bộ hạ tầng, thu hút đầu tư

Ông Lê Đình Hải – Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân cho biết, Thọ Xuân là vùng đất “hai vua”, với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, nằm ở vị trí giao thoa về kinh tế, văn hóa – xã hội giữa các vùng, miền trong tỉnh. Với tiềm năng, lợi thế hiện có, Thọ Xuân đang dần khẳng định trở thành địa phương một trong những “tứ sơn” gồm: thị xã Bỉm Sơn, TP. Sầm Sơn và thị xã Nghi Sơn phát triển kinh tế của tỉnh. 

Ngày 10/1/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 10 về về xây dựng và phát triển huyện Thọ Xuân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu trọng tâm, phấn đấu đưa Thọ Xuân trở thành thị xã trước năm 2030, trở thành một trung tâm động lực quan trọng ở phía tây của tỉnh, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Thọ Xuân  a1.jpg
Huyện ủy huyện Thọ Xuân khang trang 

Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Thọ Xuân đã phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có, tận dụng sức hấp dẫn để hút các nhà đầu tư. 

Với lợi thế nằm ở vị trí giao thoa về kinh tế – xã hội – văn hóa giữa các vùng miền trong tỉnh. Có nhiều tuyến giao thông trọng điểm như: Quốc lộ 47, 47B, 47C, đường Hồ Chí Minh… chạy qua. Đặc biệt là Cảng hàng không Thọ Xuân đã được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế. Những năm qua, huyện Thọ Xuân đã bứt phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư với nhiều dự án đã, đang và sẽ được triển khai, mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Thọ Xuân  a2.jpg
Ông Lê Đình Hải – Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân trao đổi về việc phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2023

Theo ông Hải, với những tiềm năng và lợi thế đã thực sự rõ nét, Thọ Xuân tập trung phát triển khu vực Lam Sơn – Sao Vàng trở thành trung tâm kinh tế động lực của huyện và của tỉnh dựa trên 3 trụ cột: công nghiệp, nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao và dịch vụ hàng không.

Khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng với diện tích 537ha theo quy hoạch đã được phê duyệt, là một trong 4 cụm công nghiệp động lực của tỉnh Thanh Hóa. Dự án là một quần thể công nghiệp công nghệ cao phát triển bền vững, hiện đại, năng động. Hiện dự án đang triển khai giải phóng mặt bằng. Chính quyền địa phương cũng đang đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, bảo đảm tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đến năm 2025 đạt 50% trở lên, năm 2030 đạt 100%. Giai đoạn sau năm 2030; sẽ mở rộng thêm với diện tích khoảng 130ha về phía tây của KCN hiện hữu.

Phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2030

Sân bay Thọ Xuân được quy hoạch trên diện tích 844 ha, đạt cấp sân bay 4E, công suất ước đạt 5 triệu hành khách và 27.000 tấn hàng hóa/năm, được định hướng là cảng hàng không quốc tế trong tương lai.

Quỹ đất xung quanh sân bay Thọ Xuân hoàn toàn có thể đáp ứng đủ điều kiện để phát triển mô hình “thành phố sân bay” hiện đại, với đầy đủ các dịch vụ hàng không, phi hàng không, đa dạng, phong phú tương tự như các sân bay điển hình trên thế giới

Thọ Xuân  a3.jpg
Cảng hàng không Thọ Xuân được định hướng là cảng hàng không quốc tế trong tương lai

“Quỹ đất tương lai xung quanh sân bay Thọ Xuân còn rất lớn, hiện đang được quy hoạch các khu công nghiệp vệ tinh, phục vụ cho quá trình vận chuyển hàng hóa. Khu công nghiệp gần sân bay là khu công nghiệp công nghệ cao, không ảnh hưởng đến môi trường. Thu hút người dân, chuyên gia quốc tế về sinh sống và học tập, làm việc. Đồng thời thu hút đầu tư, trở thành điểm hẹn của những doanh nhân toàn cầu”, ông Hải chia sẻ.

Cũng theo ông Hải, bên cạnh khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng, trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã, đang và sẽ triển khai các dự án, khu công nghiệp, cụm công nghiệp (CCN) tập trung, đó là: CCN Xuân Lai, CCN Thọ Minh (xã Thuận Minh), CCN Thọ Nguyên (xã Xuân Hồng), Cụm CN Xuân Phú, cụm CN Xuân Hòa – Thọ Hải, cụm CN Xuân Tín – Phú Xuân, cụm CN Trường Xuân và cụm CN Neo. 

Thọ Xuân  a4.jpg
Lễ hội ở khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh

Song song với đó, huyện Thọ Xuân đang tập trung đầu tư hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông lớn, như: Tuyến đường từ thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân; tuyến đường từ thị trấn Thọ Xuân đi đô thị Lam Sơn – Sao Vàng; đường giao thông nối quốc lộ 217 với quốc lộ 45 và quốc lộ 47 kết nối các huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân và Triệu Sơn với Cảng hàng không Thọ Xuân…

“Năm 2023, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất của Thọ Xuân ước đạt 6,3%, đứng thứ nhất trong vùng và thứ 2 trong toàn tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt 63,8 triệu đồng. Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để địa phương từng bước cụ thể hóa Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Thọ Xuân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sớm đưa huyện Thọ Xuân trở thành thị xã trước năm 2030”, ông Hải nói.

Lê Dương