(Tổ Quốc)- Sáng 13/12, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội nghị toạ đàm triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong tình hình mới, thực hiện kế hoạch số 2074/KH-BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá Thủ đô, xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Sự kiện có sự tham gia các chuyên gia và lãnh đạo cơ quan quản lý văn hóa của 14 tỉnh, thành phố.
Yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng hệ giá trị con người phù hợp với thời đại
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Hà Nội có nhiều nguồn lực, tài nguyên để phát triển văn hoá, trong đó con người là nguồn lực số một và quan trọng nhất. Ngoài ra, Hà Nội có tài nguyên lớn về di sản văn hóa khi sở hữu gần 6.000 di tích, 1.793 di sản văn hoá, trên 1.500 lễ hội truyền thống, 1.300 làng nghề và làng có nghề. Hà Nội cũng có nhiều thiết chế văn hoá, thể thao lớn và có các danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”… “Hà Nội có rất nhiều lợi thế để có thể phát triển văn hóa và con người, thành phố Hà Nội cũng xác định việc phát triển văn hoá, con người là động lực để phát triển Thủ đô”, ông Đỗ Đình Hồng chia sẻ.
Phát biểu đề dẫn Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội lớn nhưng cũng đối diện với không ít thách thức. Sự giao thoa giữa các giá trị truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và ảnh hưởng quốc tế đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng một hệ giá trị con người phù hợp với thời đại, đồng thời khẳng định tính đại diện của Thủ đô đối với cả nước.
Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã dự thảo các phương án, lượng hóa chuẩn mực xây dựng người Hà Nội “hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh” thành các tiêu chí. Phương án 1, người Hà Nội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế cần cần bảo đảm các tiêu chí: Thanh lịch (ứng xử nhã nhặn, lịch thiệp trong giao tiếp hàng ngày); văn minh trong ứng xử; sáng tạo trong tư duy và hành động; hiện đại trong lối sống; hội nhập quốc tế; giữ gìn bản sắc và lòng tự hào…
Phương án 2, người Hà Nội cần các nét tính cách: Ý thức tự hào và đại diện của Thủ đô; tinh thần trách nhiệm với vai trò trung tâm chính trị – văn hóa; văn hóa giao tiếp chuẩn mực; tinh thần hội nhập quốc tế sâu rộng; phát huy giá trị di sản Thăng Long – Hà Nội; ý thức xây dựng đô thị hiện đại – thông minh; tinh thần sáng tạo dẫn đầu…
Kỷ nguyên mới và những yêu cầu mới về người Hà Nội
Tại hội nghị, các đại biểu có nhiều đóng góp cho việc xây dựng các tiêu chí cho người Việt Nam. Theo TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục), người Hà Nội cần các phẩm chất như tiên phong, bản lĩnh, sáng tạo và bao dung. “Tiên phong là phẩm chất cần có đối với người Hà Nội bên thềm kỷ nguyên mới. Người Hà Nội có được một tài sản lớn nhất trong kho tàng văn hóa dân tộc, lại được tiếp nhận những điều kiện tốt nhất về vật chất và tinh thần với tư cách là công dân Thủ đô, đầu não chính trị, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa – xã hội phải là người tiên phong trong mọi lĩnh vực của kỷ nguyên mới. Nếu người Hà Nội không tiên phong thì còn chờ ai? Chờ nơi nào tiên phong?!”.
TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, tiêu chí thứ hai của người Hà Nội là Bản lĩnh. “Muốn tiên phong, muốn sáng tạo phải có bản lĩnh. Bản lĩnh trong học tập, lao động. Bản lĩnh trong cuộc sống. Kỷ nguyên mới với nhịp độ phát triển có phạm vi và cấp độ mở cửa, hội nhập sâu rộng, cơ hội và thách thức lớn và phức tạp! Không có bản lĩnh không thể thích ứng được! Thứ ba: Sáng tạo! Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số, kỷ nguyên công nghệ, kỷ nguyên cách mạng 4.0, không cho phép lạc hậu trong tư duy cũng như tác nghiệp. Sáng tạo là phẩm chất hàng đầu để đáp ứng yêu cầu này! Thứ tư: Bao dung! Phẩm chất này vốn có trong người Việt Nam nói chung, đặc biệt là người Hà Nội. Nếu không bao dung làm sao là cái nôi nuôi dưỡng hiền tài từ mọi miền đất nước về đây”-TS Nguyễn Viết Chức nhận định.
Còn theo PGS.TSKH Lương Đình Hải, Hà Nội là địa phương đã đi đầu trong việc xây dựng các quy tắc ứng xử và chuẩn mực con người Thủ đô hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, sáng tạo. “Nếu triển khai xây dựng các bộ chuẩn mực cho các chủ thể thì trước hết cần tập trung cho các chuẩn mực đạo đức”, PGS.TSKH Lương Đình Hải nêu. Trong khi đó, PGS.TS Phạm Duy Đức cho rằng, khi xây dựng các tiêu chí phát triển văn hóa người Hà Nội phải bảo đảm quyền phát triển con người Thủ đô, chú trọng chất lượng cuộc sống, thúc đẩy lối sống xanh…
Đóng góp thêm cho các tiêu chí của người Hà Nội, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những chuẩn mực đang được xây dựng, Hà Nội cần chú ý một số đức tính phù hợp với cuộc sống hiện nay như việc giữ chữ tín; ý thức tôn trọng pháp luật, điển hình như luật giao thông; việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống để thu hút nguồn lực văn hoá, con người cả nước.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Cục phó Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) Lương Đức Thắng cho rằng, thời gian qua, Trung ương và Hà Nội rất quan tâm đến việc xây dựng hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong tình hình mới.
“Việc xây dựng hệ giá trị người Hà Nội hôm nay cần phải được đặt trong “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Hệ giá trị này cần phải được lượng hóa cụ thể, sát với thực tế, phục vụ mục đích phát triển của Thủ đô nói riêng và của Việt Nam nói chung. Để xây dựng các tiêu chí phát triển con người cần phải chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ các cấp; tập trung truyền thông và cần sự phối hợp của các cấp, ngành, người dân…”, ông Lương Đức Thắng nêu./.
Nguồn: https://toquoc.vn/yeu-cau-cap-thiet-trong-viec-xay-dung-he-gia-tri-con-nguoi-ha-noi-phu-hop-voi-thoi-dai-20241213173959261.htm