Yên Bái đẩy mạnh chăn nuôi sau tết

Việt NamViệt Nam17/02/2025


YênBái - Sau tết Nguyên đán, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tái đàn theo hướng có kiểm soát, quan tâm phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Công chức Địa chính - Kinh tế xã Y Can, huyện Trấn Yên trao đổi về kỹ thuật chăm sóc gà với ông Nguyễn Văn Chung.
Công chức Địa chính - Kinh tế xã Y Can, huyện Trấn Yên trao đổi về kỹ thuật chăm sóc gà với ông Nguyễn Văn Chung.

>> Vượt khó để phát triển chăn nuôi
>> Yên Bái đẩy mạnh chăn nuôi đảm bảo nguồn cung thị trường cuối năm
>> Bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững
>> Yên Bái khôi phục chăn nuôi sau bão

Dịp tết Nguyên đán, trang trại của bà Nguyễn Thị Thư ở thôn Đồng Đầm, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình đã xuất bán ra thị trường gần 100 con lợn thịt. Sau khi xuất bán, gia đình bà đã vệ sinh hệ thống chuồng trại, phun thuốc sát trùng, quét vôi bột khử khuẩn. Bà Thư chia sẻ: "Việc tái đàn thường tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm. Đây là thời điểm giao mùa; vì vậy, để tái đàn an toàn cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Về con giống, tôi có 30 con nái đủ cung cấp giống tại chỗ; bảo đảm nguồn con giống có chất lượng và hiện đàn lợn đang phát triển tốt”. 

Với quy mô chăn nuôi thường xuyên 4.000 con gà, hiện gia đình ông Nguyễn Văn Chung ở thôn Quyết Thắng, xã Y Can, huyện Trấn Yên đã tái đàn với quy mô gần 2.000 con. Theo ông Chung, để chăn nuôi an toàn, hiệu quả, sau khi xuất bán lứa gà dịp tết, ông để trống chuồng 1 tuần và thực hiện vệ sinh chuồng trại. "Sau khi vệ sinh khu vực chăn nuôi tôi mới tái đàn và toàn bộ con giống được nhập từ những công ty, trang trại uy tín, được tiêm phòng vắc - xin đầy đủ” - ông Chung cho biết.

Huyện Trấn Yên hiện có trên 700 mô hình chăn nuôi gia cầm quy mô từ 1.000 con trở lên; 3 mô hình trang trại nuôi gà ở các xã: Hòa Cuông, Minh Quán, Thành Thịnh; 5 trang trại lợn ở các xã: Tân Đồng, Y Can, Lương Thịnh, Cường Thịnh và hàng ngàn mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ. Tổng đàn gia súc chính năm 2024 của huyện đạt trên 91.000 con. 

Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: "Trước khi người dân thực hiện tái đàn, ngành nông nghiệp huyện tích cực tuyên truyền, tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”. 

Những năm qua, Yên Bái đã phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Các giống gia súc, gia cầm như: bò, lợn, gia cầm và trâu, dê đã được các hộ nông dân, hợp tác xã nuôi với quy mô lớn; đồng thời, các mô hình chăn nuôi hữu cơ và an toàn sinh học cũng đang ngày càng được chú trọng. 

Năm 2025, ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 5,85%; giá trị sản xuất chăn nuôi (theo giá so sánh 2010) đạt 2.740 tỷ đồng, tăng 180 tỷ đồng so với năm 2024; tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 30% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; tổng đàn gia súc chính đạt 950.000 con; đàn gia cầm 8.000.000 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 83.000 tấn… 

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học là hướng đi quan trọng không chỉ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Cùng đó, chú trọng cung cấp giống gia súc, gia cầm chất lượng cao, có khả năng sinh trưởng, kháng bệnh tốt. 

Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Để tái đàn vật nuôi bảo đảm an toàn, Chi cục tăng cường giám sát dịch bệnh, chủ động tuyên truyền các hộ chăn nuôi tiêm phòng vắc - xin cho vật nuôi, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi cần chuẩn bị chuồng trại bảo đảm vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi nhập con giống; chuồng trại phải phù hợp với từng loại vật nuôi”. 

Với các mục tiêu, những biện pháp hỗ trợ hiệu quả, hy vọng toàn tỉnh sẽ phát triển mạnh mẽ ngành chăn nuôi năm 2025, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế của tỉnh nói chung. 

Việc tái đàn sau tết là một bước quan trọng để duy trì quy mô chăn nuôi, ổn định sản xuất và bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay đang rét đậm, rét hại, người chăn nuôi cần cẩn trọng trong việc tái đàn để phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe vật nuôi. Cùng đó, các địa phương cần tăng cường quản lý nhà nước đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống; tăng cường năng lực sản xuất giống tại địa phương để có con giống với giá thành phù hợp trong quá trình sản xuất.

Hồng Duyên



Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/346090/Yen-Bai-day-manh-chan-nuoi-sau-tet.aspx

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available