Chính sách đặc thù mới cho dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Việt NamViệt Nam19/02/2025


Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế chỉ ra những điểm đặc biệt, đặc thù có trong Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phạm Thị Hồng Yến.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phạm Thị Hồng Yến.

Sáng 19/2, tại cuộc họp báo sau phiên bế mạc Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phạm Thị Hồng Yến cho biết, các chính sách đưa ra trong Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đều dựa trên cơ chế, chính sách đặc thù đã áp dụng để cho phép xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Theo bà Yến, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 172 đồng ý chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó, có 19 chính sách, cơ chế đặc thù để thực hiện đầu tư dự án. Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trong đó, có 18 cơ chế đặc thù.

"Có một số chính sách được các đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra, ban soạn thảo đã thảo luận cẩn trọng và đưa vào Nghị quyết nhằm đảm bảo tổ chức thực hiện nhanh, thuận lợi, rút ngắn quá trình", bà Yến nói.  

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính chỉ rõ những điểm đặc biệt, đặc thù có trong Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Cụ thể, chính sách mới hơn so với Nghị quyết 172 là quy định về trường hợp việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án có nội dung khác với quy hoạch có liên quan thì dự án được phê duyệt mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án. Theo bà Yến, Luật Đấu thầu có quy định cho phép 1 số các trường hợp được thực hiện hình thức chỉ định thầu. Với dự án này, Quốc hội đồng ý để đảm bảo đúng tiến độ dự án. Cho phép cơ quan tổ chức thực hiện được quyền sử dụng chỉ định thầu nếu cần thiết.

"Sau khi dự án được phê duyệt, các quy hoạch có liên quan phải được kịp thời rà soát, điều chỉnh, cập nhật và công bố. Điều này giúp quá trình thực hiện dự án được nhanh chóng. Đây là chính sách ưu việt dành cho dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng", bà Yến cho biết.

Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trị giá 203.231 tỷ đồng (gần 8,4 tỷ USD) kết nối Trung Quốc với các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Theo Nghị quyết, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Dự án sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 2/2025, sẽ được các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án. Trong quý III/2025, sẽ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thiết kế, lựa chọn nhà thầu, xây lắp. Cuối năm 2025 sẽ khởi công dự án và cơ bản hoàn thành vào năm 2030.

Phạm vi của Dự án: điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng); chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km; chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9 km; đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.

Trong quá trình thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ được quyết định: Phát hành trái phiếu Chính phủ cho Dự án để bổ sung cho phần thiếu hụt so với dự toán và kế hoạch đầu tư công hàng năm đã được Quốc hội phê duyệt mà không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước.

Huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện Dự án và không phải lập Đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng khác với quy định của nhà tài trợ nước ngoài.

Sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hàng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác cho Dự án trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hàng năm không đáp ứng tiến độ. Việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi không phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Dự án không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.

(Theo VOV)


Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/12/346239/Chinh-sach-dac-thu-moi-cho-du-an-duong-sat-Lao-Cai---Ha-Noi---Hai-Phong.aspx

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Bộ phim gây chấn động thế giới công bố lịch chiếu tại Việt Nam
Rực rỡ cây lá đỏ ở Lâm Đồng, du khách hiếu kỳ đi trăm km tới check-in
Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam

No videos available