Gương mặt nổi bật nhất của Hamas…
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết Yahya Sinwar không có trong nhà và được cho là đang ẩn náu dưới lòng đất ở Dải Gaza. Nhưng cố vấn cấp cao của Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm thứ Tư cho biết “chỉ là vấn đề thời gian trước khi chúng tôi bắt được hắn”.
Israel đã công khai cáo buộc Sinwar là “kẻ chủ mưu” đằng sau vụ tấn công của Hamas chống lại Israel vào ngày 7 tháng 10 – mặc dù các chuyên gia cho rằng Sinwar có thể chỉ là một trong số nhiều người lãnh đạo chiến dịch – khiến nhà hoạt động 61 tuổi này trở thành một trong những mục tiêu chính của cuộc chiến ở Dải Gaza.
Là một nhân vật hoạt động lâu năm trong phong trào nổi dậy của Palestine, Sinwar chịu trách nhiệm xây dựng cánh quân sự của Hamas trước khi thiết lập các mối quan hệ mới quan trọng với các cường quốc Ả Rập trong khu vực với tư cách là nhà lãnh đạo dân sự và chính trị của nhóm.
Sinwar được bầu vào cơ quan ra quyết định chính của Hamas vào năm 2017 với tư cách là lãnh đạo chính trị của Hamas ở chi nhánh Gaza. Tuy nhiên, kể từ đó ông ta đã trở thành lãnh đạo trên thực tế của cơ quan chính trị chính của Hamas, theo nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR).
Harel Chorev, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và Châu Phi Moshe Dayan tại Đại học Tel Aviv, nói rằng mặc dù Sinwar là nhân vật chủ chốt trong Hamas nhưng ông ta không nên được coi là nhà lãnh đạo duy nhất của tổ chức này.
Chorev nói: “Sinwar được coi là người cấp cao nhất vì ông ấy có uy tín rất cao trước công chúng, nhưng Hamas không hoạt động theo cách đơn giản. Hamas là một tổ chức phi tập trung với một số trung tâm quyền lực riêng biệt và ông ấy là một trong số đó”.
Chorev tin rằng mặc dù Sinwar là một nhân vật nổi bật, nhưng ông chỉ là một trong “bộ ba” quan chức Hamas chịu trách nhiệm về vụ tấn công ngày 7 tháng 10, cùng với Mohammed al-Masri, thường được biết đến với cái tên Mohammed Deif – chỉ huy Lữ đoàn Al-Qassam, cánh tay quân sự của Hamas, và cấp phó của Deif là Marwan Issa.
Sinwar, với mái tóc bạc và đôi mắt đen sâu dưới đôi lông mày nổi bật, cho đến nay là gương mặt được biết đến nhiều nhất và dễ nhận biết nhất trong ba thủ lĩnh kể trên, nhưng chính Deif mới là người kích hoạt cuộc tấn công ngày 7 tháng 10. Và trong khi Sinwar dành vài năm qua để phát biểu và chụp ảnh thì Deif lại là một nhân vật cực kỳ bí ẩn, chưa từng xuất hiện trước công chúng trong nhiều thập kỷ.
Nhưng không phải duy nhất
Yahya Sinwar sinh năm 1962 tại trại tị nạn ở Khan Younis, miền nam Gaza. Gia đình ông này đã phải di dời khỏi Al-Majdal, một ngôi làng của người Palestine ở Askhelon ngày nay, trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel.
Sinwar gia nhập Hamas vào cuối những năm 1980 và trở thành một trong những người sáng lập bộ máy tình báo nội bộ đáng sợ của tổ chức này, được gọi là Majd. Sinwar bị kết án vào năm 1988 vì đóng vai trò trong vụ sát hại hai binh sĩ Israel và bốn người Palestine bị tình nghi cộng tác với Israel, và phải ngồi tù hơn hai thập kỷ ở Israel.
Sinwar sau đó cho biết mình đã dành nhiều năm để nghiên cứu Israel, bao gồm cả việc học nói tiếng Do Thái. Sinwar được thả vào năm 2011 như một phần của thỏa thuận trong đó hơn 1.000 tù nhân Palestine đổi lấy Gilad Shalit, một binh sĩ Israel đã bị bắt và giam giữ ở Dải Gaza trong hơn 5 năm.
Vào thời điểm đó, Sinwar gọi cuộc trao đổi này là “một trong những cột mốc chiến lược lớn trong lịch sử sự nghiệp của chúng ta”.
Nhà nghiên cứu Chorev cho biết việc thả Yahya Sinwar được thúc đẩy bởi một thực tế là anh trai Yahya – một trong những người bắt cóc Shalit – nhất quyết yêu cầu đưa em mình vào thỏa thuận trao đổi con tin.
Trở lại Gaza, Yahya Sinwar đã thăng tiến và nhanh chóng trở thành nhân vật chủ chốt trong Hamas. Chorev cho biết Sinwar nổi tiếng vì sự lạnh lùng và sắt đá đối với bất kỳ ai mà ông nghi ngờ phản bội hoặc hợp tác với Israel.
Là nhà lãnh đạo chính trị của Hamas, Sinwar tập trung vào các mối quan hệ đối ngoại của nhóm. Theo ECFR, Sinwar chịu trách nhiệm khôi phục mối quan hệ của Hamas với các nhà lãnh đạo Ai Cập, những người cảnh giác với sự ủng hộ của nhóm đối với Hồi giáo chính trị và tiếp tục vận động nhằm tìm kiếm nguồn tài trợ quân sự từ Iran.
Sinwar được coi là người ra quyết định quan trọng và có thể là đầu mối liên lạc chính ở Dải Gaza trong các cuộc đàm phán căng thẳng về việc trao trả hơn 240 con tin bị Hamas đưa vào vùng đất này trong các cuộc tấn công ngày 7 tháng 10. Cuộc đàm phán có sự tham gia của các nhân vật cấp cao từ Israel, Hamas, Mỹ, Qatar và Ai Cập.
Gershon Baskin, một nhà hoạt động vì hòa bình nổi tiếng của Israel từng tham gia vào việc trả tự do cho Shalit, người lính Israel năm 2011, cho biết: “Cuối cùng thì có hai người đứng đầu cuộc đàm phán. Một người là Yahya Sinwar bên phía Hamas, và người còn lại là Benjamin Netanyahu bên phía Israel”.
Hơn 100 con tin Israel và nước ngoài đã được Hamas thả và 240 tù nhân và người Palestine bị giam giữ được Israel trả tự do như một phần của thỏa thuận ngừng bắn đạt được trong các cuộc đàm phán đó, trước khi lệnh ngừng bắn tạm thời sụp đổ vào ngày 1 tháng 12, khi Israel và Hamas đổ lỗi cho nhau về thất bại.
Sinwar đã bị gọi bằng nhiều cái tên khác nhau trong hai tháng qua: phát ngôn viên quân đội Israel, Trung tá Richard Hecht gọi Sinwar là “bộ mặt của cái ác” và tuyên bố ông ta là “người chết biết đi”. Truyền thông Israel so sánh Sinwar với Osama bin Laden, trong khi một hồ sơ do IDF công bố đã đặt biệt danh cho ông là “Đồ tể từ Khan Younis”.
Nhưng nhà nghiên cứu Chorev nói rằng bất chấp những cách mô tả như vậy và bất chấp vai trò cao cấp của Sinwar, ông này cũng chỉ là một trong nhiều chỉ huy mà Israel cần phải loại bỏ trước khi có thể nói rằng họ đã “tiêu diệt hoàn toàn Hamas”.
“Nói một cách đơn giản, nếu Israel giết Sinwar, điều đó không có nghĩa là họ sẽ tiêu diệt Hamas. Tuy nhiên, Hamas vẫn có thể bị lật đổ ngay cả khi Sinwar vẫn còn sống… bởi vì nó không phải (một tổ chức có thứ bậc). Để Israel tiêu diệt Hamas, họ cần phải tiêu diệt một lượng lớn các trung tâm quyền lực quan trọng chứ không chỉ ông ta”, Chorev nói.
Nguyễn Khánh