Mỗi dịp tháng Năm về, hàng vạn du khách trong và ngoài nước lại tìm về Khu di tích Kim Liên để tưởng nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những ngày này, từ sáng sớm, con đường dẫn vào làng Trù quê ngoại và làng Sen quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An chật kín người.
Hàng ngàn người xếp hàng ngay ngắn, dâng những bó hoa tươi thắm lên Người. Đến quê Bác, mỗi người mang một nỗi niềm, cảm xúc riêng nhưng tất cả đều có chung một tấm lòng của sự ngưỡng vọng, tri ân, tưởng nhớ đến công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Những câu chuyện về cuộc đời, quê hương Bác trở nên sinh động qua tiếng nói dịu dàng truyền cảm của nữ thuyết minh. Chất giọng Nghệ đặc trưng dường như càng làm cho những chuyện kể trở nên sâu lắng hơn.
Hiện, phòng Tuyên truyền giáo dục có 20 cán bộ thì 3 người làm công tác quản lý, 3 người làm nhiệm vụ đón tiếp các đoàn du khách đăng ký, còn 17 thuyết minh viên phụ trách hướng dẫn, giới thiệu tại Làng Sen quê nội, Hoàng Trù quê ngoại Bác, khu mộ bà Hoàng Thị Loan và đền Chung Sơn – nơi thờ phụng người thân của Bác.
Với giọng Nghệ đặc sệt và sự truyền cảm qua từng lời, từng tiếng, những người phụ nữ duyên dáng đã đưa du khách trong nước và cả quốc tế đến gần hơn với một vĩ nhân bình dị tại nơi Người được sinh ra… Đối với họ, mỗi đoàn khách đều mang đến những cảm xúc riêng, đặc biệt là những vị khách nước ngoài. Chị Nguyễn Thị An Vinh, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền giáo dục Khu di tích Kim Liên cho biết, chị vẫn nhớ rõ câu chuyện về một vị khách đến từ nước Nhật Bản. Năm 1998, khi chị mới bước vào nghề, thời điểm đó khá lạnh, nữ thuyết minh này được phân công đón khách nước ngoài. Trong đó, có một cụ già người Nhật Bản, ông chăm chú nghe phiên dịch dịch lại lời thuyết minh giới thiệu từ hiện vật gắn với 5 năm tuổi thơ Bác Hồ trong căn nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở làng Sen.
Trước bộ phản gỗ, nơi Nguyễn Tất Thành và anh trai ngủ mỗi đêm, ông đứng lặng khá lâu. Theo lời thuyết minh, tấm phản này sau đó cụ Phó bảng cho người bà con mượn không may bị cháy một góc do đốt than sưởi mùa đông về. Khi đi sưu tầm về, Ban quản lý Khu di tích đã cưa một đoạn bị cháy. Và trong lần về thăm quê sau 50 năm xa cách, Người vẫn phát hiện tấm phản ngắn hơn trước đó.
“Tôi khá ngạc nhiên và sửng sốt khi nghe lời đề nghị của vị khách đặc biệt này. Lúc đó, khi tôi đang giới thiệu về tấm phản, vị khách này đã khóc và hỏi “Liệu tôi có thể ngồi lên tấm phản này một chút để tìm lại hơi ấm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được không?” Có lẽ, ông phải yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lắm mới có đề nghị đặc biệt đến như thế. Chính tình cảm đặc biệt của ông khiến tôi xúc động rơi nước mắt”, chị Vinh nhớ lại.
Theo chị Nguyễn Thị Hương Giang, 48 tuổi, nữ thuyết minh Khu di tích Kim Liên, thời điểm cuối tháng 4 đến tháng 9 là thời gian có nhiều ngày lễ lớn. Trong thời điểm này, học sinh nghỉ học nên lượng du khách về thăm quê Bác nhiều hơn. Mặc dù thời điểm này thời tiết khá nắng nóng nhưng chứng kiến sự xúc động của du khách, thấy được tình cảm của du khách đến với Bác, những nữ thuyết minh lại cố gắng truyền tải thông tin trọn vẹn nhất về Bác và quê hương Bác. Mỗi đoàn khách mang đến cho những người thuyết minh cảm xúc khác nhau.
“Đầu năm, tôi có đón tiếp một vị khách khá đặc biệt đến từ Malaysia. Người này nói tiếng Việt rất thuần thục. Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn là người đàn ông này hiểu biết sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người này tỏ ra xúc động khi thăm ngôi nhà tranh 2 gian tại làng Hoàng Trù, nơi bác cất tiếng khóc chào đời. Ông ấy cho biết, mình rất yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã tìm đọc nhiều tài liệu về Người. Tuy nhiên, ông khá bất ngờ với việc một nhân cách lớn như Người lại sinh ra tại một nơi giản dị thế này”, chị Giang nhớ lại.
Dù đón khách ở nơi nào, các thuyết minh viên vẫn giữ nguyên giọng nói “nằng nặng” đặc trưng xứ Nghệ. Từng câu, từng chữ, dưới chất giọng mang âm hưởng quê hương đưa đến cho người nghe cảm xúc về sự chân chất, mộc mạc mà sâu nặng nghĩa tình của con người xứ Nghệ, quê hương xứ Nghệ.
“Mỗi lần thuyết minh cho các đoàn khách, chúng tôi đều có những cảm xúc khác nhau, luôn mới mẻ. Sự mới mẻ là việc mỗi chúng tôi tự làm mới câu chuyện, cách diễn đạt và quan trọng nhất là khơi dậy cảm xúc của người nghe. Khi du khách xúc động, tức là chúng tôi đã thành công, truyền tải trọn vẹn thông tin, thông điệp chạm được đến trái tim của người nghe”, chị Giang chia sẻ về nghề của mình.
Cùng với nhiệm vụ tham gia hướng dẫn ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, các cán bộ thuyết minh còn được giao nhiệm vụ tuyên truyền, thuyết minh các chuyên đề về Bác ở các đơn vị ngoài Khu di tích như trường học, quân đội, đoàn viên thanh niên… Hàng năm, cán bộ thuyết minh được tham gia các lớp bồi dưỡng, học thêm kiến thức về cuộc đời, sự nghiệp, làm các chuyên đề chuyên sâu và nghe thêm các câu chuyện về Bác Hồ. Với yêu cầu nhiệm vụ mới, đội ngũ thuyết minh viên Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên không ngừng học hỏi, trau dồi bản thân.
Hà Hằng – Minh Tâm