Năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản có thể đạt 53 – 54 tỷ USD Hiệp định EVFTA giúp mang lại giá trị bền vững cho nông sản xuất khẩu |
Phân tích điểm mạnh yếu của nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU, ông Ywert Visser – Thành viên tiểu ban thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản Eurocham, cho hay, nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu đã tăng lên đáng kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực năm 2020.
Nhìn một cách tổng quát, những số liệu xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các thị trường lớn thuộc Liên minh châu Âu cho thấy sự yêu thích của người tiêu dùng EU đối với mặt hàng này.
Sự thành công có thể được xác định không chỉ thông qua số lượng sản phẩm đưa vào thị trường mà còn thông qua mức độ các sản phẩm này có thể đáp ứng với các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.
Xuất khẩu nông sản sang thị trường EU: Hoá giải những thách thức. Ảnh Cấn Dũng |
Tuy nhiên, ông Ywert Visser cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU đang tập trung phần lớn vào một số ngành hàng tiêu biểu như cà phê, hạt điều. Điều này sẽ là rủi ro nếu người tiêu dùng EU thay đổi thói quen tiêu dùng, ví dụ như giảm uống cà phê sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, quy mô nhỏ, manh mún của nông nghiệp Việt Nam đang gây khó khăn cho đầu tư vào kiểm soát chất lượng, tiếp cận thị trường và các lĩnh vực quan trọng khác; năng suất, chất lượng của một số nông sản còn thấp; công nghiệp chế biến nông sản tương đối kém phát triển đã giới hạn phạm vi sản phẩm có thể được xuất khẩu sang EU…. Những yếu tố này đã và đang là thách thức cho nông sản Việt Nam mở rộng thị phần tại EU.
Để khắc phục những thách thức trên, gia tăng thị phần nông sản Việt Nam tại EU, theo ông Ywert Visser, việc tìm hiểu nhu cầu cũng như thói quen tiêu dùng của người dân EU rất quan trọng.
Theo đó, người tiêu dùng EU yêu cầu cao về chất lượng, sản phẩm phải nguyên vẹn, không có sâu bệnh, chịu được vận chuyển và xếp dỡ; có mức tồn dư hoá chất trong ngưỡng cho phép. “Cần có chứng chỉ đảm bảo như GLOBAL GAP để vào các siêu thị EU, cùng đó là đạt được các tiêu chuẩn xã hội như GRASP, SMETA”, đại diện Eurocham cho hay.
Ông cũng đồng thời nhấn mạnh, với những tiêu chuẩn khắt khe, trước mắt sẽ có nhiều thách thức cho các trang trại Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, các tiêu chuẩn, quy định này là nền tảng để tạo ra sự “chọn lọc tự nhiên” của các doanh nghiệp.
Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, có phương pháp tiếp cận tài chính tối ưu để nâng cao chất lượng sản xuất. Đặc biệt, khuyến khích giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và cảnh giác với việc nhiễm chéo thuốc trừ sâu.
Hình thành các cụm liên kết và hợp tác xã cho phép các nhóm nông dân hợp tác sản xuất và đạt được một chứng chỉ hữu cơ chung. Cung cấp hỗ trợ tài chính cho nông dân chuyển đổi canh tác sang phương pháp hữu cơ thông qua các khoản tài trợ, khoản vay được trợ cấp và chia sẻ chi phí chứng nhận.
Nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ chính sách rất quan trọng để giúp Việt Nam chuyển đổi suôn sẻ sang nông nghiệp sinh học bền vững. Giám sát việc tuân thủ các quy định về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh (đối với sản phẩm thú y) của các doanh nghiệp, trang trại để đánh giá tác động chi tiết.
Và cần có nhiều chương trình tài chính trợ cấp hơn để khuyến khích nông dân và doanh nghiệp trong ngành chuyển đổi tích cực hơn sang thực hành nông nghiệp bền vững.
Theo TS. Nguyễn Văn Hội – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, ngoài thuận lợi cho xuất khẩu từ Hiệp định EVFTA, nông sản Việt Nam còn có cơ hội thu nguồn lợi lớn liên quan đến các quy định mới về xuất khẩu của thị trường EU.
EU đã áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) từ ngày 1/10/2023, thời điểm ban đầu cơ chế này chỉ áp dụng cho một số ngành “siêu phát thải carbon” như sắt thép, nhôm, xi măng và hóa chất. Tuy nhiên, sau 3 năm đối tượng chịu tác động cơ chế này sẽ được mở rộng.
TS. Nguyễn Văn Hội cũng cho biết, với CBAM, hàng hoá muốn xuất khẩu sang EU phải trả chi phí phát thải carbon ở nước sở tại. Điểm quan trọng, EU cho phép bù trừ giữa các ngành hàng thông qua việc mua bán, hoán đổi tín chỉ carbon.
“Với quy định này, nông sản có lợi thế rất lớn, bởi được đánh giá là ngành xuất khẩu xanh. Ngoài thu lợi từ xuất khẩu, doanh nghiệp còn có thể thu lợi từ mua bán, hoán đổi tín chỉ carbon”, TS. Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh.
Việt Nam đã bắt đầu có các quy định về mua bán, hoán đổi tín chỉ carbon, điều này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, trước mắt là xuất khẩu sang thị trường EU.
Dù có nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản sang EU, tuy nhiên, lãnh đạo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cũng cho hay, nội tại ngành còn hạn chế ảnh hưởng tới thị phần của nông sản Việt Nam tại thị trường tiềm năng này.
Trong đó, sự chủ động, đặc biệt là mức sẵn sàng hội nhập của doanh nghiệp chưa cao. Do vậy, doanh nghiệp cần tập trung vào cách thức sản xuất để vượt qua các rào cản kỹ thuật; không ngừng kiểm soát quy trình sản xuất; khai thác cơ hội từ Hiệp định EVFTA, nhất là về nguồn gốc xuất xứ…
“Sự trỗi dậy của bảo hộ mậu dịch ngày một mạnh mẽ tại thị trường nhập khẩu, vấn đề không chỉ là thuế mà còn là các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày một khắt khe”, TS. Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh.