Việt Nam nắm giữ 2 loại nông sản "nóng" nhất toàn cầu

Báo Công thươngBáo Công thương10/02/2025

Theo Bloomberg, Việt Nam đang sở hữu 2 loại nông sản 'nóng' nhất toàn cầu là cao su và cà phê, trong bối cảnh thế giới đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.


Trong 6 tháng vừa qua, hàng loạt nhà đầu tư đã ‘đặt cược’ vào thị trường nông sản vùng nhiệt đới và đã thu lời lớn. Đáng chú ý, theo Bloomberg, Việt Nam đang là nơi sản xuất chủ lực của 2 trong số 4 loại nông sản ''nóng'' nhất trên thị trường toàn cầu.

Việt Nam nắm giữ 2 loại nông sản 'nóng' nhất toàn cầu
Cao su đang là một trong 2 nông sản Việt Nam ''nóng'' nhất trên thị trường hàng hóa toàn cầu. Ảnh: Bloomberg

Điểm danh 4 loại nông sản ''nóng'' lên nhờ biến đổi khí hậu

Hàng hóa nông sản nhiệt đới đã chiếm 4 trong số những loại hàng hóa có hiệu suất giá tốt nhất trên thị trường trao đổi hàng hóa tương lai kể từ đầu tháng 8/2024. 4 loại hàng hóa này là cà phê, cao su, ca cao và dầu cọ.

Theo các chuyên gia từ Bloomberg, giá cà phê toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 2024. Cao su, ca cao và dầu cọ đều tăng hơn 20% trong cùng kỳ. Dầu dừa, mặc dù không được giao dịch rộng rãi, cũng đang có hiệu suất tốt: Giá giao ngay tại Amsterdam đã tăng khoảng 27% kể từ tháng 8/2024.

Mặc dù sản lượng của những loại nông sản này trải dài trên khắp thế giới, nhưng chúng chủ yếu được sản xuất ở một số quốc gia. Riêng 6 nước là Brazil, Indonesia, Bờ Biển Ngà, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam sản xuất 87% dầu cọ, 71% cao su, 59% ca cao và 55% cà phê mà thế giới đang tiêu dùng. Theo số lượng từ Bloomberg, nước ta đang sản xuất tới 2 triệu tấn cà phê và 1,3 triệu tấn cao su hàng năm.

Những yếu tố nào khiến giá nông sản tăng?

Với sự tập trung nguồn cung ở 6 quốc gia trên, chỉ cần thời tiết xấu ở một khu vực có thể đủ để khiến toàn bộ thị trường hàng hóa toàn cầu bấp bênh.

Ở Brazil, đợt hạn hán tồi tệ nhất trong bốn thập kỷ đã cản trở quá trình ra hoa của cây cà phê, cũng như đốt cháy rừng nhiệt đới và làm khô cạn các con đập cung cấp nước. Mưa lớn, lũ lụt ở vùng trồng ca cao của Tây Phi và các đồn điền cao su, cọ ở Đông Nam Á đã có tác động tương tự, khiến hàng loạt diện tích bị mất mùa và nhiều nông dân không thể đến đồn điền để thu hoạch.

Việt Nam nắm giữ 2 loại nông sản 'nóng' nhất toàn cầu
Tại Brazil đã xảy ra đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 4 thập kỷ vừa qua, làm cản trở quá trình ra hoa của quả cà phê. Ảnh: Bloomberg

Những điều kiện thảm khốc đó có mối liên hệ mật thiết đến nhau và ngày càng gia tăng khi khí hậu trái đất ấm dần. Chu kỳ La Nina trong 5 năm qua có xu hướng mang lại thời tiết khô hạn cho Đông Nam Brazil và thời tiết ẩm ướt cho Tây Phi và Đông Nam Á.

Những yếu tố này khiến việc trồng các cây nhiệt đới khó khăn hơn nhiều. Nếu thời tiết nóng hơn khoảng một độ, quá trình quang hợp những cây này sẽ yếu đi, khiến sâu bệnh sinh sôi và năng suất giảm. Một nghiên cứu năm 2020 đã chỉ ra rằng, 21% cây nhiệt đới sẽ không thể phát triển hạt vào năm 2070 do biến đổi khí hậu. Kết luận của một nghiên cứu khác vào năm 2024 cho thấy, biến đổi khí hậu đang là "mối đe dọa hiện hữu" đối với các loại trái cây nhiệt đới như chuối, xoài và đu đủ.

Một điều đáng báo động là cả 4 loại nông sản đang ''nóng'' chỉ có thể trồng tại vùng nhiệt đới. Ngược lại, các loại cây được trồng ở các vùng ôn đới và cận nhiệt đới như ngô, đậu nành, chè và đường lại ít chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và gần đây không hề chứng kiến sự tăng giá đột biến.

Bên cạnh đó, một yếu tố then chốt ảnh hưởng đến giá cả nông sản vùng nhiệt đới chính là điều kiện tài chính của những người sản xuất chúng. Nguồn cung của cả 4 loại cây này đều do những hộ nông dân nhỏ sản xuất và thường chỉ canh tác một vài hécta để bổ sung cho sinh kế.

Khi tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu ngày càng gia tăng, hầu hết các nông dân trồng cây nhiệt đới trên toàn cầu có đủ tài chính để đầu tư cho những biện pháp cải thiện năng suất của cây trồng. Theo thống kê từ Bloomberg, những người nông dân tại các khu vực nhiệt đới chiếm đa số trong 700 triệu người trên toàn thế giới sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, với thu nhập dưới 2,15 USD một ngày.

Mặt khác, những người nông dân nhỏ lẻ ở vùng nhiệt đới nổi tiếng cũng không được lợi lớn từ giá cả hàng hóa gia tăng. Điều này là do phần lớn lợi nhuận từ các loại cây trồng này chảy vào tay những người chế biến, thương nhân và một số tập đoàn lớn trên toàn cầu.

Trên thực tế, các 4 nông sản cà phê, dầu cọ, ca cao và cao su đang trở nên vô cùng thiết yếu trong đời sống của người tiêu dùng toàn cầu. Các chuyên gia dự đoán, người tiêu dùng toàn cầu sẽ phải trả giá đắt hơn cho các mặt hàng làm từ 4 nông sản này (như đồ ăn nhẹ và xe ô tô) trong một thời gian dài.



Nguồn: https://congthuong.vn/viet-nam-nam-giu-2-loai-nong-san-nong-nhat-toan-cau-373065.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available