Năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản có thể đạt 53 – 54 tỷ USD Điểm tên 3 thị trường mua nông lâm thủy sản nhiều nhất của Việt Nam |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,81 tỷ USD, tăng 7,43% so với tháng 9/2023 và tăng 11,9% so với tháng 10/2022.
10 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo ước đạt 3,97 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm ngoái |
Trong đó, nhóm hàng nông sản ước đạt 2,47 tỷ USD, tăng 31,1% so với tháng 10/2022; chăn nuôi ước đạt 40 triệu USD, tăng 6%; lâm sản ước đạt 1,28 tỷ USD, giảm 0,2%; thủy sản ước đạt 850 triệu USD, giảm 5,9%; đầu vào sản xuất ước đạt 162 triệu USD, giảm 12,3%.
Tính chung, 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 43,08 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, nhóm thuỷ sản ước đạt 7,45 tỷ USD, giảm 20,5%; lâm sản ước đạt 11,65 tỷ USD, giảm 19,3%; đầu vào sản xuất ước đạt 1,64 tỷ USD, giảm 20,3%.
Riêng nhóm hàng nông sản ước đạt 21,94 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ và được đóng góp bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả ước đạt 4,91 tỷ USD, tăng 78,9%; xuất khẩu gạo ước đạt 3,97 tỷ USD, tăng 34,9%; xuất khẩu hạt điều ước 2,92 tỷ USD, tăng 14,8%.
Bên cạnh đó, nhóm sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu ước đạt 402 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ.
Về giá xuất khẩu bình quân một số nông sản chính 10 tháng đầu năm 2023 như sau: Giá cao su xuất khẩu ước đạt 1.330 USD/tấn, giảm 17,3%; giá chè xuất khẩu 1.710 USD/tấn, tăng 6,3%; giá hạt điều xuất khẩu ước đạt 5.693 USD/tấn, giảm 5%; giá hồ tiêu xuất khẩu ước đạt 3.339 USD/tấn, giảm 23,4%; giá xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn 425 USD/tấn, giảm 3,3%…
Riêng giá gạo xuất khẩu ước đạt 558 USD/tấn, tăng 15,3% và cà phê 2.527 USD/tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường, 10 tháng đầu năm, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; trong đó, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,8%, tăng 16,2%; Hoa Kỳ chiếm 20,6%, giảm 20,8% và Nhật Bản chiếm 7,5%, giảm 8,5%.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 10, thị trường hàng hóa trong nước duy trì ổn định, nguồn cung được đảm bảo, giá cả không có biến động bất thường, riêng giá lúa gạo có xu hướng tăng (giá lúa, gạo ở đồng bằng sông Cửu Long tăng trở lại từ 300 – 600 đồng/kg).
Giá heo hơi biến động giảm do sức tiêu thụ giảm (giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg); giá tôm sú nguyên liệu có xu hướng giảm vào cuối tháng (giảm 20.000đ/kg); giá cá tra nguyên liệu không biến động nhiều (27.000 – 33.000 đồng/kg); giá trái cây tăng trong 2 tuần đầu và có xu hướng giảm vào cuối tháng do nguồn cung tăng, trong đó, xoài cát Hòa Lộc phổ biến ở mức 58.000 đồng/kg, xoài Cát Chu phổ biến ở mức 30.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ ở mức 23.000 đồng/kg…
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, liên minh kinh tế Á – Âu…
Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu. Tổ chức các Diễn đàn 970 hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản; tọa đàm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường, các chuỗi phân phối bán lẻ trong nước đối với một số mặt hàng có sản lượng lớn khi vào vụ thu hoạch (vải, mít, chôm chôm, thanh long, chanh…).