Theo Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Triệu Văn Lực, năm 2024, ngành lâm nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu lâm sản khoảng 21,6% so với năm 2023.
Sản xuất, chế biến gỗ tại Công ty TNHH khai thác, chế biến lâm sản Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Tại Hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm diễn ra vào chiều 27/12, ông Lực cho biết ngành sẽ tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; bảo vệ và phát triển bền vững 100% diện tích rừng hiện có.
Đồng thời, ngành đã đa dạng các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp theo hướng sản xuất xanh, bền vững, tuần hoàn. Phát triển các hình thức liên kết, hợp tác, chia sẻ lợi ích trong chuỗi sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp.
Ngành cũng tăng cường quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp, chú trọng khâu chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, cây bản địa, thâm canh rừng phù hợp với hệ sinh thái để nâng cao năng suất, sản lượng rừng trồng, phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn. Qua đó, góp phần để đạt mục tiêu sản lượng khai thác gỗ rừng trồng năm 2024 đạt 23 triệu m3 và đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,5 tỷ USD.
Ông Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường đại học Lâm nghiệp cũng cho rằng ngành đã đi theo kinh tế rừng trồng thì cần quan tâm giống cây lâm nghiệp. Do đó, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cần tập trung vào nghiên cứu, chọn tạo giống không chỉ cho phát triển kinh tế lâm nghiệp, mà còn cho phát triển cây phân tán hoặc cây cảnh.
Theo Cục Lâm nghiệp, xuất khẩu lâm sản của Việt Nam ước đạt 14,39 tỷ USD trong năm 2023, giảm 15,8% so với năm 2022.
Nguyên nhân giảm là thị trường có nhiều biến động bất ổn, bị ảnh hưởng từ xung đột chính trị Nga – Ukraine, người tiêu dùng tại thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm gỗ.
Sản xuất cây giống ở Trung tâm Nghiên cứu, Thực hành và Chuyển giao Khoa học Công nghệ-Trường Đại học Tân Trào. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Cùng với đó, chính sách của các quốc gia nhằm bảo hộ cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước đã ảnh hưởng tới thương mại sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Vì vậy, để thúc đẩy thương mại lâm sản, ngành lâm nghiệp đã chủ động, thường xuyên phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản để nắm bắt tình hình, tham mưu Bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; theo dõi và phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện và xử lý các vụ tranh chấp thương mại quốc tế.
Đặc biệt, năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên tại Việt Nam lĩnh vực lâm nghiệp đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2 tương đương 51,5 triệu USD.
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Ngoài ra, năm 2023 cũng bị ảnh hướng của hiện tượng El Nino, thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng khô hanh kéo nên nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao. Vẫn còn tồn tại những điểm nóng về phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại một số địa phương, nhất là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên; Nam Trung Bộ.
Trong khi đó, thực trạng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng bỏ việc, thôi việc xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực khó tuyển dụng lao động mới.
Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm đã chủ động nắm bắt tình hình điểm nóng và khoanh vùng các địa bàn trọng điểm về chặt phá rừng, các tụ điểm cất giữ, chung chuyển lâm sản lớn trên những địa bàn trọng điểm. Từ đó, góp phần tiếp tục duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42,02%./.
Ly Ly