Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch tăng trưởng liên tục qua nhiều năm và là đối tác mà Việt Nam luôn đạt thặng dư thương mại cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Thỏa thuận Xanh EU sẽ dẫn tới những thay đổi đáng kể trong các yêu cầu, quy định, điều kiện, thủ tục mà EU áp dụng đối với nhiều loại hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này, từ đó tạo ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Chế biến cá tra nguyên con cho xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Các nhóm sản phẩm chịu tác động
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ 1/8/2020, giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường EU dễ dàng hơn. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 29,1 tỷ USD.
Với tính chất và quy mô của thị trường EU, duy trì sự ổn định và bền vững của hoạt động xuất khẩu sang EU là rất quan trọng đối với tương lai phát triển của nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu Việt Nam, kéo theo đó là triển vọng thu nhập của hàng triệu người lao động tham gia vào các chuỗi sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Thỏa thuận Xanh EU cùng với các chính sách, hành động, kế hoạch cụ thể trong nhiều lĩnh vực đang và sẽ dẫn tới những thay đổi đáng kể trong các yêu cầu, quy định, điều kiện, thủ tục mà EU áp dụng đối với nhiều loại hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này. Vì thế, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU cũng đứng trước các thách thức và cả cơ hội từ xu hướng tăng cường các tiêu chuẩn xanh của EU.
Một khảo sát nhanh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện hồi tháng 8 cho thấy có tới 88-93% số người được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới EGD hoặc các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu Việt Nam.
Đặc biệt, tỷ lệ các doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp biết rõ về EGD chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các nhóm tham gia khảo sát khác (8-12%).
Tính tới thời điểm hiện tại, với những chính sách xanh trong EGD, các nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ quá trình chuyển đổi xanh ở thị trường EU trong thời gian tới gồm 7 nhóm sản phẩm: điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, linh kiện liên quan; nông sản, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; thực phẩm các loại (đặc biệt là thực phẩm hữu cơ); dệt may, giày dép; các loại hóa chất, phân bón, pin, ắc quy; sắt thép, nhôm, xi măng; bao bì của các loại sản phẩm.
Thách thức mà EGD đặt ra với xuất khẩu Việt Nam trước hết nằm ở sự thay đổi, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hiệp hội và các chủ thể liên quan.
Với tính chất là gói chính sách toàn diện và có lộ trình rất dài, EGD và các chính sách, biện pháp thực thi thỏa thuận này không chỉ nhiều về số lượng, phức tạp về tính chất, mà còn liên tục phát triển qua thời gian.
Đồng thời, không có một bộ các tiêu chuẩn xanh chung, không có một lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu sang EU.
May hàng xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty May Thái Nguyên. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Các hướng tác động của Thỏa thuận Xanh EU tới xuất khẩu Việt Nam
Theo báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” của VCCI, thỏa thuận này có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu Việt Nam theo các cách thức chủ yếu sau:
Gia tăng các tiêu chuẩn “xanh, bền vững” đối với hàng hóa xuất khẩu: Rà soát cho thấy phần lớn các chính sách, kế hoạch, hành động thực thi Thỏa thuận Xanh ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này thông qua việc tăng cường các tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa theo các cách thức khác nhau, ví dụ bổ sung mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (TBT) và/hoặc vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) gắn với mục tiêu “xanh, bền vững” (ví dụ các quy định mới về thiết kế sinh thái, cách thức ghi/dán nhãn hàng hóa hữu cơ, hộ chiếu sản phẩm…).
Gia tăng trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất để đóng góp vào các mục tiêu “xanh, bền vững”: Mặc dù không phổ biến nhưng một số các chính sách, hành động trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh đòi hỏi nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam phải chịu thêm các khoản tiền (trực tiếp hoặc gián tiếp dưới các hình thức khác nhau) để có thể xuất khẩu hàng hóa vào EU, ví dụ: ckhoản tiền phải nộp theo Quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR): Các nhà sản xuất các sản phẩm chế biến chế tạo (trừ một số loại sản phẩm) có thể sẽ phải nộp cho nước nhập khẩu một khoản phí nhất định để xử lý rác thải phát sinh từ việc sử dụng sản phẩm mình xuất khẩu.
Và gia tăng thủ tục khai báo, thông tin về yếu tố “xanh, bền vững” của sản phẩm: Một số các yêu cầu mới theo các chính sách, kế hoạch trong Thỏa thuận Xanh EU sẽ buộc nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam phải thực hiện các thủ tục khai báo, cung cấp thông tin, hồ sơ nhằm chứng minh trách nhiệm xanh, ví dụ: thủ tục báo cáo mức độ phát thải CO2 của hàng hóa nhập khẩu theo Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới – CBAM.
Ngoài các cách thức tác động tới hàng hóa xuất khẩu Việt Nam được thống kê từ các biện pháp mà EU đã hoặc dự kiến áp dụng rõ ràng như nêu ở trên, không loại trừ khả năng trong tương lai, với các chính sách, biện pháp pháp lý sẽ được xây dựng, soạn thảo và thông qua bởi các cơ quan EU và các nước thành viên EU nhằm thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh, xuất khẩu Việt Nam sẽ còn bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận Xanh theo các kênh, cách thức khác./.
Ly Ly