Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế của mình như một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu quốc gia.
Dựa trên những nền tảng đã đạt được, ngành gỗ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới. Ảnh: Khánh Vũ
Mục tiêu lớn cho xuất khẩu ngành gỗ
Với vị thế là một trong năm quốc gia xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 15,2 tỉ USD trong năm 2024, tăng mạnh so với năm 2023. Đây là một con số đầy tham vọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn.
Năm 2024, suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát kéo dài. Những yếu tố này làm giảm sức mua ở các thị trường lớn như Mỹ và EU. Người tiêu dùng tại các khu vực này có xu hướng cắt giảm chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, bao gồm đồ gỗ. Trong khi đó các quy định như Luật Lacey của Mỹ và Quy định về gỗ của EU (EUTR) buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc minh bạch. Đây là áp lực lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn hạn chế về nguồn lực và kinh nghiệm.
Giá nguyên liệu gỗ biến động mạnh do chuỗi cung ứng toàn cầu chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. Lãi suất vay vốn cao và giá năng lượng tăng cũng khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với gánh nặng tài chính. Cạnh tranh từ các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia và Malaysia đang trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Các nước này không chỉ có chi phí sản xuất thấp mà còn đang đầu tư mạnh vào công nghệ và phát triển thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, ngành gỗ đã nỗ lực vượt khó, ghi nhận những thành tựu đáng khích lệ trong năm qua. Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 13,22 tỉ USD, tăng 21,2% so với 10 tháng đầu năm 2023. Việt Nam tiếp tục nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất toàn cầu, khẳng định năng lực cạnh tranh và uy tín trong chuỗi cung ứng quốc tế. Xuất khẩu gỗ sang các thị trường như Canada, Úc và Trung Đông đã có bước tiến đáng kể. Đây là minh chứng cho nỗ lực đa dạng hóa thị trường và giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.
Vượt thách thức để bứt phá
Theo ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – chia sẻ, cùng với việc tìm kiếm khách hàng, doanh nghiệp ngành gỗ đã chủ động chuyển đổi sang những nguyên liệu thân thiện môi trường, các nguyên liệu tái chế vừa tiết kiệm chi phí, vừa đáp ứng yêu cầu mới của khách hàng.
“Không xây dựng được thị trường tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh số xuất khẩu, đặc biệt là xúc tiến và kết nối thị trường. Tổ chức các sự kiện hội chợ ngành gỗ tạo cơ hội giao thương và để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các khách hàng của thị trường quốc tế. Nếu 2 tháng cuối năm xuất khẩu đạt 3 tỉ USD thì cả năm nay, xuất khẩu của ngành gỗ sẽ đạt gần 16 tỉ USD” – ông Lập chia sẻ.
Các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là mục tiêu trọng điểm. Những thị trường này không chỉ có nhu cầu cao mà còn đòi hỏi các sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng, thiết kế và tính bền vững. Ngoài ra, ngành gỗ Việt Nam đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới nổi như Canada, Úc và Trung Đông, nơi nhu cầu đang tăng cao và cạnh tranh chưa quá gay gắt.
Bên cạnh mục tiêu về kim ngạch, ngành gỗ cũng đang chuyển hướng từ mô hình sản xuất gia công sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đầu tư vào thiết kế, xây dựng thương hiệu và ứng dụng công nghệ tiên tiến đang là chiến lược ưu tiên nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/xuat-khau-go-tien-gan-muc-tieu-152-ti-usd-nam-2024-1430562.ldo