Ngành lúa gạo có nhiều cái “đầu tiên”
“Bội thu” là từ mà nhiều người nhắc tới khi nói về ngành lúa gạo Việt trong năm 2023. Bởi, không chỉ trúng mùa mà còn trúng giá.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, diện tích gieo cấy năm 2023 dừng ở con số 7,16 triệu ha, giảm 9.000ha so với năm trước đó, nhưng năng suất lại tăng 1 tạ/ha, tổng sản lượng lúa đạt 43,6 triệu tấn.
Nguồn cung dồi dào, ngành lúa gạo không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, dự trữ nội địa mà còn xuất khẩu 8 triệu tấn gạo và thu về 4,78 tỷ USD, tăng 38,7% so với năm 2022.
Giá gạo 5% tấm của nước ta cũng lập đỉnh lịch sử khi tăng từ 473 USD/tấn lên mốc 663 USD trong năm 2023. Theo đó, gạo Việt có mức giá đắt đỏ nhất so với giá hàng cùng loại của các quốc gia xuất khẩu Top đầu thế giới.
Gạo Việt Nam khẳng định chất lượng trên thị trường quốc tế khi đạt giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2023 tổ chức tại Philippines. Đây cũng là năm thứ 2 gạo Việt đạt ngôi vị cao nhất tại cuộc thi này.
Những ngày cuối năm 2023, người nông dân trồng lúa tại khu vực ĐBSCL tiếp tục bán lúa tươi tại ruộng với giá bình quân 9.200 đồng/kg. Đây cũng là mức giá cao nhất trong lịch sử.
Ông Bùi Văn Tuấn – Giám đốc HTX Nông nghiệp Cây Trôm (Long An) – chia sẻ, với giá lúa ổn định ở mức cao như hiện tại, sản xuất 3 vụ lúa, các thành viên của HTX sẽ đạt lợi nhuận khoảng 90–100 triệu đồng/ha/năm.
Báo cáo từ Cục Trồng trọt, ở các tỉnh phía Bắc người dân canh tác 2 vụ lúa/năm. Do giá cao, người nông dân thu lãi 37 triệu đồng/ha/năm.
Trong họp báo cuối năm của Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề cập đến thành tựu của ngành lúa gạo, trong đó có nhiều “cái đầu tiên” như giá cao nhất, lượng gạo xuất khẩu nhiều nhất và kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục lịch sử.
Ở hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp, ông Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, khẳng định, ngành lúa gạo của nước ta đóng góp rất lớn cho an ninh lương thực trong nước và thế giới. Việt Nam đang tiên phong và được các nước ngưỡng mộ do xuất khẩu cao, chất lượng gạo tốt, trong bối cảnh các nước bị sức ép.
“Trong 30 năm qua, nước ta cứ năm sau xuất khẩu gạo cao hơn năm trước, bình quân từ 5-8 triệu tấn/năm”, ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Bổng cho rằng ngành nông nghiệp còn “2 điều nợ”. Thứ nhất, còn nợ nông dân vì thu nhập thấp. Thứ hai, nợ môi trường vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây phát thải khí nhà kính. Giải quyết được 2 khoản nợ này sẽ bảo vệ cho thế hệ hiện tại và con cháu mai sau.
Mở rộng không gian cây lúa, rơm trấu cũng thành tỷ USD
Theo ông Bùi Bá Bổng, Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” là sáng kiến mới của Việt Nam. Tương ứng với đề án là 1 triệu nông dân tham gia.
“Đây là động lực rất lớn của Việt Nam. Vừa rồi, tôi đi hội nghị lúa gạo quốc tế, cảm nhận được sự ủng hộ của bạn bè thế giới”, ông nói. Song, để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa, cần giải quyết ngay mắt xích yếu nhất là sự liên kết nông dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, Đề án cần sự vào cuộc quyết liệt từ Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên qua
Mới đây, tại một hội nghị ở ĐBSCL, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn đã giới thiệu sản phẩm túi làm bằng polymer sử dụng nguyên liệu từ vỏ trấu của hạt lúa.
Ông tính toán, với 43 triệu tấn lúa sẽ thu được 5 triệu tấn vỏ trấu, làm được hàng triệu tấn polymer sinh học, đem lại lợi nhuận từ 3-3,5 tỷ USD/năm.
Theo ông Thòn, hiện nay, nông dân có trách nhiệm quá nặng nề, phải thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực, canh tác giảm phát thải… trong bối cảnh đối mặt với rất nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường. Thế nên, sử dụng các phụ phẩm từ ngành hàng lúa gạo sản xuất nhiều sản phẩm khác là một hướng đi để nâng cao thu nhập cho người nông dân.