Ngày 11/10, tại TP. Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp phát triển giống cá tra ứng phó với biến đổi khí hậu, rào cản thương mại quốc tế”.
Quy trình sinh sản cá tra phụ thuộc nước ngoài
Theo ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản, tính đến ngày 15/9, diện tích cá tra thả nuôi trong kỳ báo cáo ước đạt 4.241 ha (bằng 98% so với cùng kỳ năm 2023). Sản lượng cá tra ước đạt 1.241.000 tấn (bằng 103% so với cùng kỳ năm 2023).
Giá cá tra nguyên liệu loại 1 dao động trong khoảng: 27.000-28.000 đồng/kg, tăng khoảng 500-1000 đồng/kg so với cùng kỳ tháng 8/2024 và cao hơn khoảng 500 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2023. Giá cá giống loại 30 con/kg giá 26.000 đồng/kg, tăng khoảng 4.000-5.000 đồng/kg so với cùng kỳ tháng 8/2024 và thấp hơn khoảng 5.000 đồng.kg so với cùng kỳ năm 2023.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra 9 tháng đầu năm đạt 1,5 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu cá tra sang nhóm các thị trường chính gồm Trung Quốc & Hồng Kông giảm 2%, Mỹ tăng 23%, EU giảm 1%, CPTPP tăng 13%, Brazil tăng 28%.
Hiện, cả nước có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó có 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống bố mẹ; 76 cơ sở sản xuất giống thương phẩm; 1842 cơ sở ương dưỡng cá tra giống (từ cá bột lên cá giống)
Về cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, đã có 32 cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên các cơ sở sản xuất, ương dưỡng cá tra giống vẫn chưa có được cơ sở nào đăng ký, thực hiện và được cấp giấy chứng nhận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, Đồng Tháp đứng đầu cả nước về sản lượng cá tra xuất khẩu. Hiện toàn tỉnh có khoảng 52 cơ sở sinh sản cá tra bột với số lượng đàn cá bố, mẹ khoảng 150.000 con, sản lượng cung ứng hằng năm ra thị trường khoảng 18 tỷ con cá tra bột; 850 cơ sở ương dưỡng cá tra giống với diện tích khoảng 800ha, hằng năm cung cấp khoảng 1,3 tỷ con cá tra giống; 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã sản xuất được 11,8 tỷ cá tra bột và 931 triệu con cá tra giống.
Theo ông Tuấn, năm 2023, tổng sản lượng cá tra thương phẩm thu hoạch đạt 525.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 629 triệu USD và ước trong 9 tháng năm 2024, sản lượng thu hoạch là 485.755 tấn đạt 89,9% kế hoạch năm, ước đến cuối năm, diện tích thả nuôi cá tra 2.630ha với sản lượng cá tra 540.000 tấn.
Đại diện tỉnh Sóc Trăng nêu thực trạng, các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản vẫn còn phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu nên giá bán cho người nuôi luôn biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất cá tra nguyên liệu.
Còn theo đại diện Tập đoàn Việt Úc, mắt xích quan trong tạo nên sự bền vững của ngành sản xuất cá tra giống đầu tiên phải có sự ổn định trong chuỗi sản xuất này chính là nguồn cá bố mẹ. Trải qua nhiều năm phát triển, ngành cá tra đang đối mặt với việc thiếu hụt cá nguồn cá bố mẹ chất lượng, mang các đặc điểm tốt về sinh trưởng, phát triển và có nguồn gốc rõ ràng.
Đối với quy trình sinh sản cá tra, sự phụ thuộc vào nguồn hóc môn sinh sản từ nước ngoài cũng là yếu tố tác động đến nguồn con giống trong nước. Trong giai đoạn Covid-19, việc phong tỏa nghiêm ngặt tại Trung Quốc đã làm ảnh hưởng đến các nguồn cung từ thị trường này, bao gồm nguồn hóc môn sinh sản cho cá tra, gây ra việc khan hiếm ngắn hạn. Hậu quả của việc này là tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc “đóng băng” của các cơ sở sản xuất cá giống trên cả nước.
Ngoài ra, việc không thể duy trì chu kỳ sinh sản đúng kế hoạch cũng có thể tạo ra rủi ro khác cho các chương trình chọn giống cá tra bố mẹ. Do đó, việc đa dạng hóa nguồn cung, tìm kiếm các nguồn đầu vào thay thế hiệu quả khác, hay tự nghiên cứu sản xuất loại hóc môn tương tự trong nước, nhằm giảm sự phục thuộc vào nguồn cung nước ngoài cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.
Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống cá tra
Chỉ ra 4 hạn chế của ngành hàng cá tra, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tỉ lệ sống trung bình rất thấp ở cả hai giai đoạn ương cá hương và cá giống, ngay cả khi đã có được nguồn cung cá bố mẹ tốt, việc sinh sản thuận lợi và có nguồn cá bột ấp nở dồi dào. Nguyên nhân chính có thể là sự suy giảm chất lượng nguồn nước, biến đổi khí hậu dẫn đến sự thay đổi tiêu cực của các điều kiện sản xuất cơ bản và tình trạng này có dấu hiệu nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây.
Vấn đề dịch bệnh đối với giai đoạn ương từ cá hương lên cá giống: Quy trình nuôi truyền thống (mật độ thấp) đòi hỏi ao ương có diện tích và độ sâu lớn với nhu cầu sử dụng nước rất nhiều. Nhằm đảm bảo lợi nhuận sản xuất, các công nghệ xử lý nước đang áp dụng (nếu có) cũng còn khá thô sơ, chủ yếu là lắng, lọc cơ học và bỏ qua các biện pháp xử lý khác (hóa học, sinh học…). Chính vì vậy, khả năng phòng ngừa dịch bệnh trong suốt quá trình sản xuất cá giống gần như là không thể.
Vấn đề suy giảm chất lượng trong quá trình vận chuyển cá giống từ ao ương của trại giống đến ao nuôi của trang trại: Phương pháp vận chuyển hiện tại đòi hỏi việc dồn cá vào diện tích nhỏ (kéo lưới) rồi đưa cá lên khỏi mặt nước trong một khoảng thời gian không nhỏ cho các công việc như cân và vận chuyển bằng xe đến ghe đục. Các bước này cũng được lặp lại khi vận chuyển cá giống từ ghe đục ở điểm đến (trang trại). Mặc dù chưa có các nghiên cứu chính thức về ảnh hưởng của phương pháp vận chuyển này đối với sức khỏe cá tra giống, có thể dễ dàng nhận ra không ít cá giống bị trầy xước do va chạm, đè nén trong quá trình này, làm gia tăng khả năng bị nhiễm khuẩn (đặc biệt là bệnh thối đuôi…). Ngoài ra, việc di chuyển bằng ghe đục với phương pháp luân chuyển nước liên tục giữa khoang chứa và vùng nước bên ngoài, cũng làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh của cá giống.
Nguồn lực cho phát triển giống cá tra còn nhiều hạn chế, kể cả về đầu tư hạ tầng hay các chương trình nghiên cứu chọn giống, chưa kể việc cấp vốn hàng năm để triển khai thường chậm (năm 2023, cấp vốn cho Dự án phát triển sản xuất giống cá tra, cá rô phi đỏ vào tháng 7), dẫn đến việc chủ động trong nghiên cứu, sản xuất gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sản phẩm…
Năm 2024, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD, sản lượng cá tra đạt 1,75 triệu tấn. Để phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, phải đầu tư cơ sở hạ tầng một cách bài bản cho các vùng ương nuôi cá giống và nuôi thương phẩm. Thực hiện tốt Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL, đồng bộ, hiệu quả đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao ổn định cung – cầu về sản xuất giống, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi.
Để đạt được như vậy, Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống cá tra; tăng cường phòng bệnh trên đàn cá tra giống bằng việc tăng cường tiêm phòng vaccine nhằm giảm dịch bệnh; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các Hội, Hiệp hội ngành hàng cá tra.
Sáng cùng ngày, tại bờ kè Đình thần An Bình (phường An Thạnh, TP Hồng Ngự), Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh Đồng Tháp – An Giang – Cần Thơ năm 2024. Tại đây, các đại biểu và đông đảo người dân tham gia thả khoảng 200.000 con cá giống các loại xuống sông Tiền, trong đó, có nhiều loài thủy sản bản địa quý hiếm về với thiên nhiên.
Nguồn: https://danviet.vn/xuat-khau-dat-hon-15-ty-usd-nhung-nganh-hang-ca-tra-van-ton-tai-4-han-che-can-khac-phuc-20241011160952987.htm