Vì sao xuất khẩu chè đạt mức thấp nhất trong 7 năm qua? Tháng 1/2024, chè Việt Nam đã xuất khẩu sang 16 thị trường |
Xuất khẩu chè 2 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 2 con số
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, trong tháng 2/2024, xuất khẩu chè đạt 8 nghìn tấn, trị giá 14 triệu USD, giảm 35,5% về lượng và giảm 35% về trị giá so với tháng 1/2024, nhưng tăng 17,6% về lượng và tăng 21,9% về trị giá so với tháng 2/2023.
Xuất khẩu chè cần đẩy mạnh chế biến sâu |
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè ước đạt 20 nghìn tấn, trị giá 35 triệu USD, tăng 50,9% về lượng và tăng 53,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 2/2024 ước đạt 7.705,5 USD/tấn, tăng 3,6% so với tháng 02/2023. Trong 2 tháng đầu năm 2024, giá chè xuất khẩu bình quân ước đạt 1.698,6 USD/tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá bình quân chè xuất khẩu sang các thị trường chính tăng giảm không đồng nhất, trong khi giá bình quân chè xuất khẩu sang các thị trường Pakistan, Ả rập Xê út, Hoa Kỳ, Đài Loan tăng, thì giá chè xuất khẩu bình quân sang các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Indonesia… giảm mạnh.
Chè là mặt hàng Việt Nam có trữ lượng Top 5 thế giới. Năm 2023, xuất khẩu chè Việt Nam đạt 121.000 tấn, trị giá 211 triệu USD, lần lượt giảm 17% và 11% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là năm có sản lượng xuất khẩu thấp nhất trong 7 năm.
Giá chè xuất khẩu bình quân năm ngoái đạt 1.737 USD một tấn, tăng hơn 7% so với năm 2022, nhưng mức giá này mới chỉ bằng 67% so giá chè xuất khẩu bình quân trên thế giới. So với các quốc gia xuất khẩu chè lớn hiện nay, giá chè Việt gần như đứng “chót bảng”.
Nguyên nhân là do nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chính như Pakistan, Đài Loan, Nga… giảm đáng kể. Cùng với đó, chủng loại chè của Việt Nam xuất khẩu vẫn chủ yếu ở dạng thô và hàm lượng chế biến thấp.
Trong khi đó, xu hướng tiêu dùng chè trên thế giới đã thay đổi, chuyển từ các sản phẩm chè thông thường sang các sản phẩm chè chế biến sâu, đặc sản. Điều này khiến hàng của Việt Nam gặp khó khi chậm đầu tư vào chế biến sâu và ít sản phẩm mới.
Cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng
Nghiên cứu từ Research and Markets cho thấy, thị trường chè toàn cầu đạt 24,3 tỷ USD trong năm 2016, dự kiến sẽ đạt 37,5 tỷ USD vào năm 2025. Mức tăng trưởng của ngành chè ngày càng cao do lối sống thay đổi và tăng nhận thức của người tiêu dùng về việc uống chè có lợi cho sức khỏe.
Đi cùng với nhu cầu tăng cao, sản phẩm chè cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống. Theo đó, chè cao cấp uống tại nhà, chè có lợi cho sức khoẻ, chè pha lạnh… được dự báo sẽ là những dòng sản phẩm dẫn dắt thị trường trong giai đoạn tới.
Các chuyên gia cho rằng, với lợi thế về sản xuất, Việt Nam có những kho “vàng xanh” quý hiếm. Song, để chiếm lấy một phần trong “miếng bánh” 37,5 tỷ USD, ngành chè cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng. Đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam.
Cùng với đó, cần xây dựng chiến lược khai thác những rừng chè hàng ngàn năm tuổi ở nước ta. Đây là một lợi thế lớn để tạo dựng hình ảnh, xây dựng thương hiệu trà cao cấp Việt Nam.
Báo cáo của Hiệp hội Chè Việt Nam trước đó chỉ rõ, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn (khoảng 352 triệu USD), do tiêu thụ trong nước chủ yếu là các loại chè đặc sản đóng gói. Điều này cho thấy, không chỉ thị trường quốc tế mà ngay ở nội địa nhu cầu dùng trà cao cấp cũng rất cao.
Dẫn câu chuyện “tứ đại danh trà” gồm: bạch trà, diệp trà, hoàng trà và hồng trà (sản xuất từ chè Shan tuyết cổ thụ trên đỉnh núi Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho hay, từ một cây chè cổ thụ mọc ở Suối Giàng có thể làm ra 4 loại trà quý khác nhau. Và chủ thể của sản phẩm này không chỉ bán hàng (là những búp chè khô) mà bán cả một câu chuyện. Tư duy kinh tế chính là bán sự khác biệt.
Quan điểm chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông nghiệp đều nằm ở đây. Ngày nay, người ta không mua sản phẩm nữa mà mua cách tạo ra sản phẩm đó, gồm tâm thế, văn hóa, câu chuyện, cảm xúc trong quá trình tạo ra sản phẩm. Thế nên, ai kể được câu chuyện giàu cảm xúc nhất qua sản phẩm thì người đó sẽ thắng. Đây cũng là cách để nâng cao giá trị cây chè Việt Nam.