Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê gia tăng áp lực về giá
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, quý I/2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 579.449 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,93 tỷ USD. Mặc dù lượng chỉ tăng 4,9% nhưng giá trị tăng mạnh 57,3% so với cùng kỳ nhờ giá xuất khẩu tăng cao. Cụ thể, trong quý I/2024, giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt 3.288 USD/tấn, tăng 47% so với mức 2.222 USD/tấn ghi nhận tại cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cà phê gia tăng áp lực mới. Ảnh Nguyễn Hạnh |
Sau khoảng thời gian bị đánh giá thấp về chất lượng dẫn đến không được giá, xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện nay đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Xuất khẩu cà phê và giá cà phê xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Việt Nam trở thành nguồn cung cấp cà phê Robusta hàng đầu không chỉ về sản lượng mà còn về chất lượng.
Tuy nhiên, ngành cà phê đang đối diện với nhiều khó khăn không nhỏ trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Theo Hiệp hội Cà phê và ca cao Việt Nam (Vicofa), trong niên vụ 2022 – 2023, nguồn cung cà phê thiếu hụt trầm trọng. Mặc dù Việt Nam đã bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2023 – 2024, nhưng tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn diễn ra, trong khi nhu cầu đang khá lớn. Ước tính còn thiếu khoảng 1,5 – 2,5 triệu bao cà phê theo hợp đồng và cần được đáp ứng từ vụ thu hoạch cà phê hiện tại.
Vì sự thiếu hụt nguồn cung nên giá cà phê liên tục chạm đỉnh. Ghi nhận ngày 24/4, giá cà phê trong nước đạt khoảng 128.500 – 129.500 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2023. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, dù giá cao nhưng một số người đã không còn hàng để bán, thậm chí nhiều hợp đồng xuất khẩu cà phê Robusta đang phải tạm dừng do thiếu hàng.
Theo ông Lê Đức Huy – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu cà phê 2/9 Đắk Lắk, việc giá cà phê tăng cao khiến nguồn cung không đáp ứng kịp, doanh nghiệp xuất khẩu khan hiếm hàng. Tương tự, ông Y Pốt Niê – Giám đốc Công ty TNHH ÊĐê Café (TP Buôn Ma Thuột) – cho hay, hiện công ty cũng đang chới với vì khó tìm nguồn cung cà phê rang xay. Việc này, khiến nguồn cung khan hiếm mà còn khiến nhà sản xuất, chế biến cà phê mất đi khách hàng.
Việc không có hàng để bán cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà rang xay. Ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và ca cao Việt Nam (Vicofa) – chia sẻ, hơn 30 năm qua tất cả các nhà rang xay lớn trên thế giới đều gắn với cà phê robusta của Việt Nam. Khi sản lượng của các niên vụ giảm thì hoạt động của họ cũng sẽ bị đình trệ ít nhiều.
Cũng theo ông Nguyễn Nam Hải, trong điều kiện giá cà phê trong nước “phá đỉnh” lên mức xấp xỉ 130.000 đồng/kg – đứng ở mức cao nhất từ trước đến nay khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong cả việc chào bán giá mới cũng như mua hàng nguyên liệu.
“Giá cà phê cao như hiện nay, doanh nghiệp rất khó khăn trong cả việc bán hàng và mua hàng. Doanh nghiệp cũng rất khó cân đối để xuất khẩu”, ông Nguyễn Nam Hải chia sẻ và nhận định, lượng tồn trong dân không còn nhiều mà chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp. Đây là các doanh nghiệp xuất khẩu, các nhà rang xay hay tiêu thụ nội địa, họ tích trữ nguyên liệu trong sản xuất.
Lo ngại thêm rào cản mới
Không chỉ khó khăn về sản lượng giảm, giá thu mua vào cao, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê dự kiến sẽ đối diện thêm khó khăn mới. Cụ thể, theo Công văn số 133/SPS-BNNVN của Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa cho biết, Mexico yêu cầu hạt cà phê xuất khẩu vào nước này phải giữ tại cửa khẩu để kiểm tra cho đến khi nhận được kết quả phân tích. Nếu kết quả kiểm tra có đối tượng kiểm dịch, nhà nhập khẩu có thể chọn trả lại nơi xuất khẩu hoặc tiêu hủy. Nếu kết quả kiểm tra có côn trùng (không phải đối tượng kiểm dịch), có thể sẽ áp dụng biện pháp xử lý bằng hoạt chất Methyl bromide.
Việc sửa đổi quy định đối với cà phê hạt xuất khẩu vào Mexico dựa trên đánh giá nguy cơ của Cơ quan Dịch vụ chất lượng, An toàn và Sức khỏe – Nông nghiệp Thực phẩm Quốc gia (SENASICA). Đồng thời, nước này gỡ bỏ 2 biện pháp: Yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ thủ tục lưu giữ, giám sát và tự chịu trách nhiệm; yêu cầu chẩn đoán kiểm dịch thực vật đối với nấm, vi khuẩn và cỏ dại.
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, các doanh nghiệp cùng những tổ chức, cá nhân liên quan có thời hạn 60 ngày để phản hồi Thông báo số G/SPS/N/MEX/439, G/SPS/N/MEX/441 của Mexico, tính từ 21/3.
Nếu Việt Nam và các quốc gia nhận thông báo không phản hồi, Mexico sẽ tự động áp dụng các quy định kiểm dịch mới theo thông lệ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Do vậy, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam nghiên cứu và thông báo cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có cà phê xuất khẩu sang Mexico. Ý kiến góp ý cho dự thảo của Mexico (nếu có) gửi về Văn phòng SPS Việt Nam trước ngày 20/5 để tổng hợp và chuyển tới thành viên WTO.
Ngoài Mexico, Văn phòng SPS Việt Nam cũng nhận thông báo từ UAE, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả rập Xê út, Yemen liên quan đến lấy mẫu; phương pháp kiểm tra và thử nghiệm, đóng gói, vận chuyển, bảo quản và ghi nhãn đối với hạt cà phê rang nguyên hạt và cà phê rang xay thuộc giống (Coffea).
Tổng doanh thu cà phê tại Mexico được dự báo lên tới 2,7 tỷ USD vào năm 2024, trong đó doanh thu cho nhóm đối tượng sử dụng tại nhà (thường là cà phê hòa tan) khoảng 1,2 tỷ USD. Việt Nam và Hoa Kỳ là hai quốc gia xuất khẩu cà phê nhiều nhất vào Mexico. Việc các thị trường đưa ra những quy định mới sẽ gây áp lực lên xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Cà phê là nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh sản phẩm này liên tục lập kỷ lục về giá từ đầu năm 2024 đến nay. Một số chuyên gia dự báo, giá cà phê xuất khẩu có thể vượt ngưỡng 4.000 USD/tấn.
Đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Nam Hải cho rằng, cần hạn chế việc mua xa, bán xa như thời gian trước, bởi việc này sẽ tạo ra rủi ro trong kinh doanh rất cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tìm kiếm thị trường mua ngay bán ngay dù việc này cũng không dễ do cà phê nội địa đang đứng ở mức quá cao. “Vicofa đã có những lưu ý nhất định đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị trung gian như đại lý, thương lái, để đảm bảo uy tín với nhà xuất khẩu Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài”, ông Nguyễn Nam Hải lưu ý.
Giá cà phê đầu vào tăng đặt ra bài toán phải tính toán lại giá đầu ra để doanh nghiệp không bị lỗ. Việc này cần các doanh nghiệp cùng nhau đoàn kết, cùng hiệp lực thực hiện vượt qua khó khăn. Nếu chỉ thực hiện riêng lẻ, rất dễ bị đối tác quay lưng.