Thời gian gần đây tại Bệnh viện Bạch Mai số bệnh nhân nhi ở lứa tuổi trung học cơ sở và chuyển lên phổ thông trung học nhập viện vì xuất huyết dạ dày ngày một tăng.
Gia tăng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự tái phát xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày, tá tràng có nhiễm vi khuẩn H.pylori của các bệnh nhân nhập viện thời gian gần đây là do các em chưa tuân thủ đúng phác đồ điều trị nghiêm ngặt.
Ảnh minh họa. |
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống nghỉ ngơi sinh hoạt cũng chưa phù hợp như ăn xong đã hoạt động thể lực, học hành ngay hoặc miệt mài chơi điện tử, ăn và uống những thực phẩm không an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiễm hóa chất và nhiều căn nguyên khác.
Đại đa số các trường hợp nhập viện tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai là các trẻ bị xuất huyết tiêu hóa trên, tập trung ở nhóm trên 10 tuổi, đặc biệt là lứa tuổi từ 14 đến 16 tuổi. Đây cũng là biến chứng của viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em.
Xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em thường có nhiều biểu hiện lâm sàng như nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc phân máu kèm các biểu hiện khác như đau bụng, nuốt đau, ợ hơi, ợ chua, ăn kém, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, sụt cân, da tái nhợt, xanh xao.
Xuất huyết đường tiêu hóa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau: giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, viêm thực quản, viêm dạ dày, loét hành tá tràng… với các yếu tố nguy cơ rất đa dạng như sử dụng một số thuốc (corticosteroid, NSAIDS…), các chất ăn mòn, dị vật đường tiêu hóa, tiền sử bản thân và gia đình mắc các bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, có người nhiễm H.pylori, rối loạn đông máu, rối loạn huyết học, và một số bệnh tiêu hóa phức tạp khác.
Xuất huyết tiêu hóa xảy ra chủ yếu do chế độ ăn uống không đúng cách như các em sử dụng nhiều chất kích thích (bia, rượu, cà-phê), ăn nhiều đồ cay nóng, chiên xào, ăn không đúng bữa, vội vàng, không nhai kỹ.
Trẻ có thể sinh hoạt không điều độ: ngủ không đủ giấc, thức quá khuya, ăn xong không nghỉ ngơi, vội vàng hoạt động thể lực, chạy nhảy, thể thao, hoặc chơi điện tử, áp lực học hành căng thẳng…
Một số em lạm dụng quá nhiều thuốc như thuốc giảm đau, chống viêm. Tình trạng nhiễm vi khuẩn H.pylori làm tổn thương niêm mạc dạ dày, tá tràng.
Ngoài ra, các nguyên nhân tâm lý, tinh thần như: stress, căng thẳng, sợ hãi kéo dài, những áp lực tinh thần trong cuộc sống, có thể do học hành, thi cử… cũng có thể gây ra xuất huyết tiêu hóa.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu khuyến cáo, xuất huyết tiêu hóa là một bệnh lý tiêu hóa thường xảy ra ở trẻ em. Trong nhiều trường hợp có thể lành tính và nhưng trong nhiều trường hợp cần đến can thiệp, cấp cứu kịp thời để tránh biến chứng và nguy tử vong.
Các bậc cha mẹ nên trang bị kiến thức về cách chăm sóc, quản lý chế độ ăn uống, sinh hoạt, học tập, vui chơi của các em. Khi có những biểu hiện trên, gia đình cần cho con đi khám ngay và tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của các bác sĩ để tránh bệnh tiến triển nặng lên hoặc tái phát.
Nguy cơ tim mạch của bệnh nhân thận lọc máu
Biến chứng tim mạch do tăng huyết áp, rối loạn điện giải, hạ natri dẫn đến xơ vữa động mạch, phì đại thất trái và suy tim… là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
Người bệnh thận nhân tạo có nguy cơ tử vong do tim mạch cao hơn nhiều so với nhóm dân số chung, cụ thể tỷ lệ bệnh mạch vành tăng >40%, phì đại thất trái 20%-75% và suy tim 40%. Biến chứng tim mạch này xảy ra ở mọi lứa tuổi ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
Đặc biệt, quá tải dịch là yếu tố nguy cơ quan trọng góp phần làm tăng tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do biến chứng tim mạch ở người bệnh thận.
Bởi người bệnh dư dịch càng nhiều, huyết áp càng cao. Tình trạng quá tải dịch ở người bệnh thận nhân tạo chiếm 20%. Huyết áp cao cũng là yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong do tim mạch ở người bệnh thận.
Hơn nữa, tình trạng quá tải dịch cộng hưởng với lưu lượng tuần hoàn, kháng lực mạch máu và kết hợp với tình trạng tăng huyết áp sẽ dẫn đến phì đại thất trái. Tỷ lệ sống của người bệnh phì đại thất trái sẽ thấp hơn người bệnh không phì đại thất trái. Ngoài ra, việc tăng cân nhiều của người bệnh giữa 2 lần chạy thận cũng liên quan đến tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch.
Với người bệnh thận có vấn đề suy tim, bác sĩ cần chú trọng nhiều trong việc chẩn đoán và điều trị. Thực tế, có nhiều cách điều trị tình trạng quá tải dịch hoặc bác sĩ chỉ cần hướng dẫn người bệnh không uống nhiều nước, không ăn mặn, áp dụng chế độ ăn khô. Tuy nhiên, điều quan trọng bác sĩ cần xử lý những lần chạy thận như thế nào.
Mục tiêu của việc lọc máu chu kỳ là loại bỏ hết dịch dư thừa để người bệnh đạt được trọng lượng mục tiêu-trọng lượng khô.
Đây là trọng lượng của người bệnh trong quá trình lọc máu và không xảy ra triệu chứng tăng hoặc giảm huyết áp giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu nhất.
Điều quan trọng, việc đánh giá trọng lượng khô không chính xác có thể khiến người bệnh sau quá trình lọc máu chu kỳ cảm thấy mệt do dư nước hoặc mất nước.
Nếu người bệnh dư nước sẽ gây tăng huyết áp do tăng thể tích, phì đại thất trái và dẫn đến suy tim ứ huyết. Nếu người bệnh thiếu nước sẽ gặp các triệu chứng của giảm thể tích và hạ huyết áp.
Vì vậy, cần dùng phương pháp đo lường hợp lý và chính xác là máy BCM để xác định đúng trọng lượng khô của người bệnh thận nhân tạo, giúp đạt mục tiêu siêu lọc lý tưởng, bác sĩ thiết lập phác đồ điều trị chuẩn; giảm nguy cơ quá tải dịch; giảm bệnh tim mạch và cả tỷ lệ tử vong.
Hiện y học xác định được urê trong máu có trên 90 độc tố khác nhau. Khi độc tố này tích tụ nhiều sẽ kích thích hệ miễn dịch gây ra tình trạng viêm nhiễm mạn tính.
Đồng thời, cơ thể cũng phản ứng các tình trạng stress, suy dinh dưỡng, loãng xương, đặc biệt là những trường hợp người bệnh bổ sung quá nhiều canxi vô tình dẫn đến xơ vữa mạch máu, rối loạn chức năng mạch máu… Thực tế, độc tố tích tụ ở người bệnh suy thận mạn còn nhiều hơn con số 90 mà y học đã tìm ra, điều này khiến người bệnh đối diện nguy cơ mắc nhiều hội chứng khác.
TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay, bác sĩ cần tư vấn cho người bệnh lọc máu chu kỳ hiểu rõ vấn đề và hậu quả thừa nước nhằm tuân thủ điều trị tốt hơn.
Đồng thời, các cơ sở lọc thận ngoài thăm khám đánh giá bệnh có thể kết hợp sử dụng máy móc hỗ trợ để xác định chính xác tình trạng dư nước và xử lý kịp thời trong quá trình điều trị cho người bệnh.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-137-xuat-huyet-tieu-hoa-o-tre-em-gia-tang-d219903.html