Đã từ nhiều đời nay, các thế hệ người dân ở xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá vẫn cùng nhau gìn giữ, bảo tồn trao truyền một trò diễn dân gian. Tương truyền, trò diễn này có từ thời Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân rồi lên ngôi Hoàng đế. Tháng 9/2016, trò Xuân Phả được Bộ VHTT&DL ra quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Di sản này đã không chỉ là báu vật văn hóa xứ Thanh mà đã trở thành viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.
Sức sống trường tồn của một trò diễn
Phàm đã là người sống ở đất Xuân Trường thì không ai là không biết đến trò diễn dân gian Xuân Phả và thuộc lòng truyền thuyết về sự ra đời của điệu múa cổ. Chuyện kể là, trên đường dẫn nghĩa quân đi dẹp loạn sứ quân của Ngô Xương Xí ở Bình Kiều Châu Ái (Thanh Hóa ngày nay)- sứ quân cuối cùng trong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh khi đến đất Quan Thành thì dựng trại, đóng quân tại đây rồi cử sứ giả đi cầu để giúp nghĩa quân, thắng trận, thống nhất đất nước.
Sứ giả nhận lệnh, đi đường thủy, ngược dòng Sông Chu thì gặp giông tố nổi lên nên phải trú lại trong nghè Xuân Phả. Nghè Xuân Phả là nơi thờ Đại Hải Long Vương, một vị thần rất linh thiêng theo tín ngưỡng người Châu Ái. Đến đêm, thần hoàng làng Xuân Phả đã báo mộng cho sứ giả về cách phá giặc. Thấy kế hay, Đinh Bộ Lĩnh bèn làm theo và đánh bại được quân của Ngô Xương Xí thống nhất đất nước.
Trò Hoa Lang |
Tưởng nhớ đến công lao thần hoàng làng Xuân Phả, Vua Đinh Tiên Hoàng sau đó đã cho đem toàn bộ cống phẩm đến tế tại đền thờ Đại Hải Long Vương. Vua Đinh đã trực tiếp giao cho Hoàng hậu Nguyệt Nương trách nhiệm truyền dạy dân làng các điệu múa để hàng năm trình diễn tại nghè Xuân Phả vào dịp hội làng. Từ đó, điệu múa có tên là Xuân Phả hay còn gọi là “Ngũ quốc lân bang đồ cống tiến” ra đời.
Trò Xuân Phả là tổ hợp của 5 trò diễn gồm: Hoa Lang, Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc và Tú Huần (Lục Hồn Nhung). Các trò diễn mô tả cảnh năm phương đến chầu, đem những tiết mục sắc nhất, biểu diễn chúc mừng Hoàng đế nước Việt xưa.
Xuất phát là điệu múa cung đình rồi được truyền dạy ra dân gian, qua nhiều thế kỷ tồn tại, trò diễn Xuân Phả từng bước hoàn thiện về kỹ thuật, trang phục, đạo cụ, âm nhạc và lời ca. Đặc biệt, các điệu múa và lời hát cổ vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Đây chính là yếu tố tạo nên sức sống và sự độc đáo của trò diễn, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong suốt tiến trình lịch sử tồn tại và phát triển cùng vùng đất cổ Thọ Xuân.
Điệu múa Chiêm với phục trang màu đỏ |
Nhạc cụ dùng trong các trò múa Xuân Phả khá đơn giản, chủ yếu là trống, thanh la, mõ… tạo thành những âm thanh vui nhộn. Theo nhịp trống dẫn dắt lúc thôi thúc, khi lại khoan thai, những người diễn trò liên tục chuyển động tác vừa uyển chuyển, nhịp nhàng thoắt cái lại mạnh mẽ, phóng khoáng.
Có một điều đặc biệt cả nghìn năm nay không thay đổi đó là “diễn viên chính” của những điệu múa này đều là những người nông dân, vừa bước chân ra khỏi ruộng vườn là đắm say với tích trò, khoác lên tấm áo diễn và hoá thân vào vai diễn, say sưa nhảy múa theo nhịp trống, đắm mình trong giai điệu, lời ca…
Trong cuốn Địa chí Thanh Hóa: Văn hóa – xã hội, tập 2 đã viết: “Trò Láng, nhất là múa (múa Xuân Phả) được giới nghiên cứu nghệ thuật đánh giá cao, được tuyển vào giáo trình múa dân tộc thời Lê và coi đó là “vang bóng của điệu múa chư hầu lai triều” để ca ngợi Lê Thái Tổ, ca ngợi chiến thắng giặc Minh của dân tộc ta ở TK XV”.
Hằng năm cứ đến ngày 9, 10/2 âm lịch, nhân dân làng Xuân Phả lại cùng nhau tái hiện điệu múa cổ trong hội làng. Năm 1936, trò Xuân Phả được vua Bảo Đại mời vào biểu diễn tại Hội chợ Kinh đô Huế.
Trong Lễ hội Lam Kinh 2018, lễ hội lớn nhất của tỉnh Thanh Hoá, trò Xuân Phả đã được biểu diễn với ý nghĩa mở ra cho một thời kỳ thịnh vượng, một cuộc sống ấm no hạnh phúc của người dân. Đây là những minh chứng cho sức sống trường tồn của trò Xuân Phả trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân xứ Thanh.
Những người giữ gìn vốn cổ
Cũng là một sự may mắn, trong một lần đến thăm vùng đất cổ Thọ Xuân, ngay tại sân nghè của làng, tôi đã được gặp gỡ những nghệ nhân, “diễn viên không chuyên” đã được xem họ tập luyện, biểu diễn. Và khi trò chuyện với họ, tôi đã hiểu được rằng, chính tình yêu và lòng tự hào về quê hương bản quán, tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ kia là động lực để cho những người dân nơi này gìn giữ, bảo tồn vốn cổ của cha ông.
Trò Ai Lao |
Các nghệ nhân ở xã Xuân Trường lý giải rằng, 5 trò Xuân Phả, mỗi trò đều có trang phục mang màu sắc khác nhau. Diễn trò Hoa Lang thì áo màu xanh nước biển. Trò Chiêm Thành thì trang phục đều màu đỏ. Trò Lục Hồn thì mặc áo màu xanh chàm. Trò Ngô Quốc mặc áo màu thanh thiên. Trò Ai Lao thì mặc quần dài và áo cánh trắng, quấn xà cạp màu xanh chàm, có một tấm thổ cẩm dệt hoa văn Lào, quàng chéo từ vai phải sang hông trái.
Có 3 trò sử dụng mặt nạ. Hoa Lang mang măt nạ bằng da bò, có mũi thẳng và cao, đội mũ da màu đen có chóp nhọn, có ria mép. Trò Chiêm Thành mang mặt nạ bằng gỗ sơn màu đỏ, mũi thấp và ngắn, hai mắt bằng lông chim công. Lục Hồn mang mặt nạ gỗ sơn trắng, người cằm nhọn là đàn bà, người cằm tròn là đàn ông, mặt nạ nhiều răng là người nhiều tuổi, mặt nạ ít răng là người ít tuổi, mặt nạ của người Lục Hồn chủ yếu thể hiện về mặt tuổi tác.
Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng, Trưởng Đoàn nghệ thuật truyền thống Xuân Phả kể, những năm 60-70 của của thế kỷ trước, vì điều kiện đất nước chiến tranh loạn lạc, việc tổ chức lễ hội, diễn trò Xuân Phả rất khó khăn, cũng có thời điểm gần như là đứt đoạn.
Mãi đến những năm 1990, khi cuộc sống bắt đầu ổn định, Nhà nước có chính sách phục hồi, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, chính quyền và dân làng Xuân Phả đã quyết tâm khôi phục lại các điệu múa này. Lúc bấy giờ, toàn xã còn 5 – 6 cụ cao niên, trong đó có những người thời trẻ, từng đi bộ từ Thanh Hoá vào đến Phú Xuân để trình diễn trong triều đình Huế. Chính vì thế việc truyền dạy được diễn ra khá thuận lợi.
Tiết mục Tú Huần còn gọi là “Lục Hồn Nhung” |
Hiện tại, ở Xuân Trường có khoảng 22 nghệ nhân đóng góp vào việc bảo tồn các điệu múa Xuân Phả. Trong đó, có 1 Nghệ nhân Nhân dân và 15 Nghệ nhân Ưu tú. Người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân là cụ ông Đỗ Đình Tạ đã ngoài tuổi 90.
Hơn 40 năm theo đuổi việc gìn giữ điệu múa cổ của cha ông, trong gia đình Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng ngoài ông ra, còn có vợ ông là bà Phùng Thị Liên, dù tự nhận mình là “người nơi khác đến, là con dâu của làng” nhưng cũng một lòng một dạ đam mê với tích trò cổ. Những năm đầu thập niên 90, khi ông Hùng đang là Bí thư Đoàn Thanh niên xã, ông là một trong số 20 người đầu tiên được các cụ truyền dạy lại múa Xuân Phả.
Việc khôi phục lại những điệu múa dân gian ban đầu tưởng đơn giản, nhưng trải qua mới thấy có quá nhiều khó khăn cản bước, nào là phục dựng lại trang phục, đạo cụ cho từng trò, hoa văn thế nào, mặt nạ ra sao…nói chung cũng rất đau đầu. Thế rồi, cứ đi khắc đến. Giá trị lịch sử, ý nghĩa tích trò và hành trình khôi phục vốn cổ của những người dân làng Xuân Phả cũng đã được công nhận và vinh danh xứng tầm.
“Tiếng lành đồn xa”, có người sống ở Pháp, thấy ảnh múa Xuân Phả từ năm 1936 đang được trưng bày trong một bảo tàng ở Pháp liên chụp ảnh và gửi cho ông Hùng. Tấm ảnh đó giúp ông có thêm những tư liệu không chỉ về trang phục và cả hoa văn trên trang phục biểu diễn. Rồi một số nhà nghiên cứu dân gian Hàn Quốc cũng tìm đến Xuân Phả để tìm hiểu về tích trò, bởi trò Hoa Lang có liên quan đến người Cao Ly cổ.
Nghệ nhân Bùi Văn Hùng |
Không chỉ gìn giữ, các nghệ nhân của Xuân Phả đã bắt đầu tính đến việc trao truyền cho các thế hệ kế cận. Thế là, các nghệ nhân trong đoàn múa đã có nhiều buổi diễn, giới thiệu và “cầm tay chỉ việc” cho con cháu trong làng. Đầu tiên là nhắm đến lứa tuổi học sinh phổ thông. Năm ngoái, mạnh dạn thử nghiệm với học sinh tiểu học. Cũng là một niềm vui, khi lớp trẻ trong làng lại rất hào hứng học hỏi và xung phong tham gia.
Các nghệ nhân truyền dạy múa cổ Xuân Phả tại trường học trong huyện |
Anh Đỗ Ngọc Tùng (thôn 2, xã Xuân Trường), một diễn viên trong đội múa kể, anh tham gia đội múa từ năm 2010, khi đó anh mới 20 tuổi, âm thanh của các nhịp trống như có cái gì đó thôi thúc sự quyết tâm trong anh. Việc được trực tiếp tham gia đội múa, đối với anh là vinh dự, bởi “đã là người con của quê hương Xuân Trường thì phải biết đến múa Xuân Phả, không biết là có lỗi”. Tùng học rất nhanh các động tác, anh lý giải: “Vì đam mê nên học rất nhanh, chẳng khó khăn gì”.
Tùng làm nghề nông, nhà có 10 mẫu đất, vừa cấy lúa, vừa trồng cây ăn quả. Buông cày cấy, trồng trọt ra là đi diễn. “Mới mấy ngày trước thôi, tôi vừa đi Hà Nội, đến đài truyền hình để quay phim đó”-anh kể.
Bây giờ thì điệu múa Xuân Phả đã theo những người dân trong đội múa của làng đi trình diễn ở nhiều nơi lắm rồi nào là Quảng Nam, Đà Nẵng, TP.HCM rồi Thái Nguyên, Tuyên Quang, Huế, Nghệ An, Hà Nội…
Không chỉ duy trì Đoàn nghệ thuật và quảng bá, biểu diễn mọi miền, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng còn đang lưu lại những điệu múa Xuân Phả cho thế hệ sau bằng chữ viết và hiện vật. Tất cả chỉ với mong muốn bảo tồn giá trị của điệu múa Xuân Phả và trao truyền lại cho thế hệ sau.
Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/xuan-pha-dieu-mua-va-tich-tro-co-nghin-nam-o-xu-thanh-post597083.antd