Thắng lợi không chỉ khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ tỉnh, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết và sự tiếp nối truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm kiên cường, bất khuất của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Đi đầu trong khởi nghĩa giành chính quyền
Bước sang năm 1944, cuộc đấu tranh chống phát xít trên thế giới đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Trong khi đó tại Đông Dương, mâu thuẫn giữa thực dân Pháp và quân phiệt Nhật ngày càng gay gắt. Trước tình hình trên, Nghị quyết của Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa, ngày 24/6/1944, nhấn mạnh: “Các đồng chí! Hồng quân sắp quét sạch rợ phát xít ra khỏi đất nước. Mặt trận thứ hai đã mở… Cuộc tổng phản công của đồng minh ở viễn đông gần đến. Nhật, Pháp sắp đến lúc đả nhau kịch liệt. Dịp tốt sắp đến. Quần chúng nhân dân đã uất ức quá lắm. Nhiều cuộc tranh đấu tự phát đã nổ.
Nhiệm vụ của Đảng ta là phải lãnh đạo đồng bào tiến gấp khởi nghĩa. Cần mỗi đồng chí chúng ta hoạt động gấp lên. Quyết tâm chiến đấu! Quyết tâm hy sinh! Quyết tâm chiến thắng! Cách mệnh dân tộc giải phóng thành công!”.
Với tinh thần và tâm thế sẵn sàng, sau khi Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, ngày 12/3/1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo phát động phong trào quần chúng vùng lên; đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị “Kíp sửa soạn khởi nghĩa” do Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hóa ban hành ngày 15/9/1944. Phong trào cách mạng Thanh Hóa bước vào giai đoạn đấu tranh sục sôi, quyết liệt, tạo tiền đề cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Trước sự phát triển của phong trào cách mạng, hệ thống cai trị các cấp của thực dân, phong kiến ở Thanh Hóa bị lung lay, rệu rã.
Ngày 24/7/1945, khởi nghĩa từng phần ở Thanh Hóa được bắt đầu với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hoằng Hóa đã mở đầu cho thời kỳ vùng dậy giành chính quyền trong toàn tỉnh. Theo đó, những cuộc tuần hành có vũ trang, diễn thuyết, tuyên truyền, thị uy… nhằm đè bẹp uy thế của chính quyền tay sai diễn ra ở nhiều nơi.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, ngày 13/8/1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa triệu tập hội nghị mở rộng tại nhà ông Tô Đình Bảng, làng Mao Xá, huyện Thiệu Hóa (nay là thôn Toán Ty, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa) để bàn biện pháp kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Trong khi hội nghị đang diễn ra thì nhận được tin Nhật đầu hàng đồng minh. Bằng sự sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén và quyết đoán, hội nghị đã đề ra nhiều quyết định quan trọng. Đó là quyết định khởi nghĩa và định ngày khởi nghĩa trong toàn tỉnh: mặc dù chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương, nhưng hội nghị đã quyết định chọn “giờ tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh là 12 giờ đêm ngày 18, rạng ngày 19/8/1945”.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thanh Hóa đạt 12,51%, đứng thứ 7 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 2.924 USD. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 50.000 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện; năm 2022, có 2 đơn vị cấp huyện, 18 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 134 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Đồng thời, quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa và Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời; thông qua chủ trương khởi nghĩa: phát động toàn dân nổi dậy bằng cả hai lực lượng (lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang), kết hợp chặt chẽ hai hình thức đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự, nhưng phải bảo đảm phương châm “nhanh, gọn và quyết thắng”, đột nhập bất ngờ, chớp nhoáng tiêu diệt địch…
Trong không khí cách mạng hết sức khẩn trương của cả nước cùng tinh thần sục sôi của nhân dân Thanh Hóa, đêm ngày 18, rạng ngày 19/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Thanh Hóa phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Quần chúng nhân dân, tự vệ vũ trang ở khắp nơi trong tỉnh nhất tề vùng lên và nhanh chóng đưa cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đi đến thắng lợi cuối cùng.
Ngày 23/8/1945, tại thị xã Thanh Hóa, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa đã ra mắt nhân dân, tuyên bố xóa bỏ chính quyền phong kiến, thực dân, thành lập chính quyền cách mạng. Chính quyền cách mạng dân chủ nhân dân ở Thanh Hóa là một bộ phận trong hệ thống chính quyền cách mạng Việt Nam; đại diện cho lợi ích của nhân dân, của dân tộc Việt Nam.
Nghiên cứu về ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Thanh Hóa, nhiều học giả đã thống nhất cho rằng, sự chủ động, sáng tạo và nắm chắc thời cơ là những ưu điểm nổi bật trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của Tỉnh ủy và Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hóa. Đặc biệt, cuộc cách mạng ở Thanh Hóa không chỉ đóng góp về nghệ thuật nắm bắt thời cơ, về tính chủ động, sáng tạo; mà thắng lợi của Thanh Hóa đã góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, cùng cả nước khởi nghĩa giành chính quyền.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của khát vọng độc lập, của ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong trang sử hào hùng của cuộc cách mạng mùa thu ấy, “khởi nghĩa Tháng Tám ở Thanh Hóa thắng lợi, Nhân dân Thanh Hóa ghi thêm một chiến công vẻ vang vào trang sử, cùng cả nước tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong sự phát triển của dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội”.
Đã 78 năm từ ngày khởi nghĩa giành chính quyền, bài học năm xưa vẫn được vận dụng sáng tạo trong xây dựng, phát triển và hội nhập, nhất là về tính chủ động, sáng tạo tập hợp lực lượng, củng cố khối đoàn kết toàn dân, chủ động tạo ra thời cơ và nắm chắc thời cơ, thống nhất hành động trong giành chính quyền, xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng.
Khát vọng vươn lên
Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, trải qua nhiều biến cố thăng trầm, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, Thanh Hóa đã bứt phá trên tất cả các lĩnh vực. Bước sang năm 2023, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của Đảng bộ tỉnh, kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh ổn định, có bước phát triển. Nhiều lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp và dịch vụ thương mại phục hồi và phát triển mạnh, đặc biệt là du lịch, vận tải. Văn hóa – xã hội chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn đạt kết quả tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân được quan tâm chăm lo. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới và tăng cường; đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân được củng cố.
Sức mạnh quật khởi và truyền thống cách mạng kiên cường của Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa trong Cách mạng Tháng Tám của thế kỷ XX đã và đang tiếp tục được khơi dậy trong thế kỷ XXI. Thanh Hóa phấn đấu đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, hợp thành cực tăng trưởng mới cùng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045, trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.