Ngày 1.7, tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị số 3 tiếp xúc cử tri Q.5, Q.8, Q.11 sau kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa 15. Tổ ĐBQH đơn vị số 3 gồm các đại biểu: ông Lê Minh Trí (Viện trưởng Viện KSND tối cao), ông Nguyễn Tri Thức (Thứ trưởng Bộ Y tế), ông Lê Thanh Phong (Chánh án TAND TP.HCM).
Theo đó, với một số ý kiến của cử tri, ông Lê Minh Trí một lần nữa khẳng định công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chưa giai đoạn nào mạnh mẽ như giai đoạn gần đây, “vừa nghiêm khắc với tội phạm và nhân văn với người hợp tác, khắc phục…”; về an sinh xã hội, mục tiêu và nguyên tắc của Đảng và Nhà nước chính là phát triển kinh tế nhưng phải lo an sinh xã hội cho người dân.
Về tội phạm không gian mạng, theo ông Lê Minh Trí, cách mạng 4.0 tạo ra giá trị lớn kinh tế xã hội, nhưng cũng tạo ra thức lớn cho an ninh mạng và lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao.
“Xu thế này không đảo ngược và cần thích ứng khai thác mặt hiệu quả tốt nhất, đồng thời kiểm soát tốt nhất có thể. Phải hoàn thiện quy định tốt hơn, quan trọng hơn nữa, cơ quan chức năng bổ sung, điều chỉnh công tác kiểm soát để ngăn chặn hiệu quả hơn nữa tội phạm này; ý thức phòng ngừa của cá nhân, tổ chức nếu không sẽ trở thành nạn nhân của tội phạm này”, ông Lê Minh Trí nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lê Minh Trí, tội phạm không gian mạng là vấn nạn toàn cầu trong xu thế hội nhập. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phát hiện kịp thời để xử lý răn đe nhưng răn đe bao nhiêu cũng không bằng phòng ngừa rủi ro từ chính người dân.
Về các vấn đề khác như quy hoạch treo, dự án chống ngập “nhưng ngập vẫn ngập” từ phản ánh của cử tri, ông Lê Minh Trí cho biết, sẽ ghi nhận và phản ánh đến UBND TP.HCM.
Ngoài ra, tại buổi tiếp xúc, các cử tri cũng lo là điều chỉnh lương tăng thì giá cả thị trường cũng tăng, hơn nữa lương hưu vẫn đang rất thấp. Trả lời cử tri, ông Lê Minh Trí cho biết, từ 1.7, ngoài mức lương cơ sở tăng 30% thì Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục rà soát điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu so với hiện tại, đồng thời lương hưu còn được trợ cấp ưu đãi người có công tăng trên 35%.
Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết
Thông báo tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Tri Thức cho hay, sau hơn 27 ngày làm việc, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15 đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết; xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, các vấn đề về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước.
Cụ thể, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật, đáng chú ý như: luật Tổ chức tòa án nhân dân; luật Bảo hiểm xã hội; luật Đường bộ; luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ… Bên cạnh đó, Quốc hội thông qua và cho phép luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2024 (riêng khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260 của luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1.1.2025).
Thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp, Quốc hội quyết nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6%); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1.1.025). Cùng thời điểm từ 1.7.2024, mức lương cơ sở điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%); lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6 năm 2024) được điều chỉnh tăng 15%; trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội cũng tăng cao so với trước đây, lần lượt tăng 35,7% và 38,9%.
Cũng tại kỳ họp, Quốc hội chốt kéo dài thời gian áp dụng thuế VAT 8%, tức giảm 2% so với hiện hành với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thêm 6 tháng, tức tới hết năm 2024, dù theo đánh giá tác động, điều này dự kiến làm giảm thu ngân sách nửa cuối năm nay khoảng 24.000 tỉ đồng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/vien-truong-vksnd-toi-cao-le-minh-tri-xu-nghiem-toi-pham-mang-khong-bang-phong-ngua-tu-nguoi-dan-185240701091204252.htm