Sáng 29/11, tại ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Quan tâm phát triển mạnh thị trường vốn
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.
Trong lĩnh vực tài chính, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là công tác đấu thầu mua sắm tài sản công.
Đồng thời, sớm ban hành hoặc đề xuất ban hành các chính sách và giải quyết dứt điểm các tài sản công dôi dư sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Quốc hội cũng yêu cầu rà soát, hoàn thiện pháp luật, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 và trong công tác quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Cùng đó là đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp, bảo đảm các nguyên tắc cổ phần hóa các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, không để thất thoát, lãng phí, tham nhũng vốn, tài sản Nhà nước.
Quốc hội lưu ý việc khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc cổ phần hóa các ngân hàng, trong đó có Agribank; khẩn trương đánh giá và có phương án giải quyết trường hợp doanh nghiệp quá hạn, mất khả năng thanh toán trái phiếu đã phát hành.
Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ tỉ lệ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, nghĩa vụ trả nợ… trong giới hạn cho phép; tiếp tục cải thiện tín nhiệm quốc gia; quan tâm phát triển mạnh hơn nữa các loại thị trường, nhất là thị trường vốn.
Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật về thuế theo Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện mục tiêu mở rộng nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế. Đẩy mạnh thực hiện hóa đơn điện tử trong việc thu thuế, phí, lệ phí nhằm chống thất thu ngân sách Nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo ngân hàng
Trong lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội yêu cầu hoàn thiện pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; nhất là cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.
Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo của tổ chức, cá nhân trong hoạt động tín dụng, tình trạng doanh nghiệp “sân sau” của ngân hàng.
Đồng thời, triển khai quyết liệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả và thực chất phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Quốc hội cũng yêu cầu tích cực triển khai phương án tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, bảo đảm yêu cầu tăng trưởng tín dụng, giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực ngân hàng.
Cùng với đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp; bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Đẩy mạnh thực hiện chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và có giải pháp phù hợp sử dụng hiệu quả gói cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội cho vay đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ.
Sớm đưa vào vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh
Trong lĩnh vực công thương, Quốc hội yêu cầu khẩn trương ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp đủ điện, xăng, dầu cho sản xuất và tiêu dùng.
Đồng thời, rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phát triển điện năng lượng tái tạo; nâng cao hiệu quả các khâu truyền tải, điều độ và phân phối, mua bán điện, bảo đảm khách quan, minh bạch; đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường dây 500 kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).
Sớm hoàn thiện, đưa vào vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; ban hành cơ chế mua bán điện giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện, khuyến khích phát triển nguồn điện áp mái nhà dân, cơ quan, công sở, khu công nghiệp tự sản, tự tiêu.
Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện quy định về phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp năng lượng tái tạo.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa; tận dụng các thị trường hiện có, tiếp tục khai thác các thị trường mới tiềm năng.