1. Quốc hội tổ chức thành công 5 kỳ họp trong một năm.
Lần đầu tiên trong lịch sử 78 năm hoạt động, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức số lượng kỳ họp nhiều nhất trong một năm với 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ họp bất thường (lần thứ 2, lần thứ 3, lần thứ 4).
3 kỳ họp này đã xem xét, quyết định 84 vấn đề lớn, quan trọng, kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, góp phần ổn định và phát triển đất nước tạo tiền đề thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo.
Như vậy, các kỳ họp “bất thường” đã trở thành “bình thường” nhằm đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của đời sống kinh tế, xã hội và nguyện vọng chính đáng của cử tri.
2. Chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Với 12 triệu lượt ý kiến góp ý của cử tri và thảo luận tại 3 kỳ họp của Quốc hội, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng.
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã thảo luận qua 2 kỳ họp của Quốc hội, song vẫn còn một số vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận cao.
Vì vậy, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội quyết định chưa thông qua 2 dự thảo luật này. Theo Quốc hội, đây là hai luật khó, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, có tác động lớn đến nền kinh tế và đời sống của người dân, cần áp dụng quy trình đặc biệt, chưa có tiền lệ để xem xét thật thấu đáo mọi mặt.
Quyết định này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao, thể hiện tinh thần cẩn trọng, có trách nhiệm của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng, hiệu quả, không chạy theo số lượng và tiến độ.
3. Thông qua nghị quyết áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
Trước yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật quốc tế, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài và lợi ích chính đáng của quốc gia, Quốc hội đã bổ sung nội dung chương trình kỳ họp thứ 6 và thông qua nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (gọi tắt là thuế tối thiểu toàn cầu) với tỷ lệ đồng thuận rất cao.
Quốc hội cũng quyết định chủ trương để trong năm 2024, Chính phủ xây dựng dự thảo nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước (quỹ hỗ trợ).
Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 và quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm “giữ chân” và tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
4. Lần đầu tiên tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội
Ngày 6/9/2023, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc lần thứ nhất để triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV.
Đây là hoạt động chưa có tiền lệ, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với tổ chức thực hiện pháp luật.
Hội nghị đã tập trung đánh giá tình hình triển khai thi hành đối với 23 luật và 28 nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến kỳ họp thứ 5.
Việc tổ chức hội nghị nhận được sự tán thành của các cơ quan hữu quan, là bài học kinh nghiệm quý, không chỉ cho Quốc hội Khoá XV, mà còn cho các khóa Quốc hội tiếp theo.
5. Tổng rà soát hệ thống văn bản pháp luật trên cả nước
Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung rà soát văn bản quy phạm pháp luật ở 22 lĩnh vực trọng tâm, bao gồm pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách Nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá và các lĩnh vực khác.
Kết quả rà soát 523 văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nghị định, quyết định của Thủ tướng và tthông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã khẳng định hệ thống pháp luật nói chung cơ bản đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi.
Số lượng văn bản và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều. Vấn đề bất cập trong các văn bản dưới luật thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính Nhà nước sẽ được sửa đổi kịp thời.
Với vấn đề bất cập cùng các luật sẽ đưa vào kế hoạch xây dựng pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ này.
6. Tăng cường, đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội
Hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng thể hiện tính linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề lớn, nổi lên trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước. Việc này thể hiện rõ triết lý “kiến tạo phát triển”.
Lần đầu tiên, Quốc hội tổ chức thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và thảo luận báo cáo kết quả giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Quốc hội không chỉ thực hiện chuyên đề giám sát tối cao đối với những vấn đề đã thực hiện, có kết quả, mà còn giám sát các vấn đề đang được triển khai trên thực tiễn, như chuyên đề giám sát tối cao 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giúp Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện các chương trình.
Đặc biệt, Quốc hội tổ chức thành công lấy phiếu tín nhiệm một lần duy nhất trong nhiệm kỳ khoá XV đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của Bộ Chính trị.
7. Thông qua nhiều quyết sách quan trọng về kinh tế – xã hội
Hàng loạt quyết sách quan trọng được Quốc hội kịp thời ban hành trong năm 2023, như: Tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng; cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế.
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết số 98 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM; quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sửa đổi, bổ sung căn bản các thủ tục, quy định về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam; thông qua quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục cho phép thí điểm một số chính sách đặc thù đầu tư 21 dự án đường bộ quan trọng quốc gia kết nối vùng và liên tỉnh…
8. Điểm nhấn của hoạt động ngoại giao nghị viện
Năm 2023 là năm thành công nổi bật của ngoại giao nghị viện. Trên 10 đoàn Chủ tịch Quốc hội/nghị viện các nước đã thăm chính thức Việt Nam và có nhiều chuyến công tác của Quốc hội Việt Nam tới các quốc gia tham dự diễn đàn đa phương.
Điểm nhấn nổi bật nhất của năm 2023 là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”.
Hội nghị đã gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng nghị viện các quốc gia trên thế giới với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thu hút sự tham gia của 500 đại biểu quốc tế và trong nước; lần đầu tiên thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị sau 9 kỳ tổ chức.
9. Tổ chức thành công Giải báo chí Diên Hồng lần thứ nhất
Năm 2023, dù là lần tổ chức đầu tiên nhưng Giải Diên Hồng đã xác lập được vị thế, uy tín trong hệ thống Giải báo chí và cộng đồng người làm báo.
Giải đã thu hút sự tham gia của 178 cơ quan báo chí trong và ngoài nước, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, với 3.328 tác phẩm dự giải.
Kết quả lần đầu tiên của giải đã góp phần tôn vinh người làm báo, tạo sự gắn kết báo chí với cơ quan dân cử, đại biểu dân cử và góp phần củng cố, nâng cao vị thế, vai trò của Quốc hội và HĐND trong hệ thống chính trị, trong lòng cử tri và hân dân.
10. Lần đầu tiên tổ chức phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I – năm 2023 tổ chức vào tháng 9/2023, với hai chủ đề “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”.
Đây là một trong những sự kiện ấn tượng trong hoạt động Quốc hội khóa XV và sẽ tiếp tục được tổ chức định kỳ nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em – thế hệ tương lai của đất nước vào các hoạt động chính trị, xã hội.
Kết thúc phiên họp, các đại biểu trẻ em đã thông qua Nghị quyết Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I.
Nghị quyết này được xem như một báo cáo kiến nghị của cử tri đặc biệt, là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách pháp luật về các vấn đề có liên quan trẻ em.