Thông tin trên được ông Jarek Jakubcek, đại diện đến từ Binance chia sẻ trong một buổi gặp mặt cơ quan truyền thông tại TP.HCM, được tổ chức ngày 17/4.

daidienBinace.jpg
Jarek Jakubcek chia sẻ về hoạt động chống “rửa tiền” trên Binance. Ảnh: Lê Mỹ

Ông Jarek Jakubcek cho biết, nhiều người nghĩ rằng giao dịch tiền mã hoá (Crypto) là ẩn danh, nên rất nhiều tội phạm lợi dụng để “rửa tiền”, tuy nhiên, theo thống kê hiện chỉ có 0,3% tội phạm “rửa tiền” qua con đường giao dịch tiền mã hoá. Bởi thực tế, với công nghệ Blockchain, các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể điều tra được quá trình giao dịch diễn ra như thế nào thông qua các địa chỉ ví web3 (là một định danh bằng các chữ cái và số được tạo ra dựa trên các khóa công khai và khóa riêng tư. Về bản chất, một địa chỉ như vậy là một “vị trí” cụ thể trên Blockchain, nơi mà các đồng tiền mã hoá có thể được gửi đến). 

Đại diện Binance chia sẻ, chẳng hạn 6 năm trước muốn gửi tiền qua Paraguay, sẽ phải trả hoa hồng cho đơn vị trung gian, mới có thể chuyển được tới người nhận. Tuy nhiên, với tiền mã hoá sẽ khác, nếu ông sử dụng Bitcoin, việc chuyển tiền diễn ra nhanh hơn và tiền sẽ chuyển trực tiếp đến người nhận. Đồng thời quá trình chuyển này sẽ được lưu lại trên Blockchain và người dùng có thể dùng ID giao dịch (TxID) để kiểm tra trạng thái và quá trình thực hiện thông qua lịch sử giao dịch (transaction history) trên sàn hoặc rất nhiều trang web hiện nay cũng cho phép thực hiện việc này. Chính vì vậy, khi có hoạt động “rửa tiền” diễn ra, sàn giao dịch sẽ dễ dàng phát hiện và phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật để xử lý.

Thời gian qua, Binance đã phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, để hỗ trợ điều tra các hoạt động “rửa tiền” thông qua tiền mã hoá. Đồng thời, trên Binance hiện nay cũng tích hợp hệ thống hỗ trợ yêu cầu thực thi pháp luật của chính phủ (Government Law Enforcement Request System). Tính năng này chỉ dành cho chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật. Theo đó, các cơ quan này có thể sử dụng hệ thống để gửi yêu cầu thông tin. Binance sẽ xem xét hợp tác trong từng trường hợp cụ thể để tiết lộ thông tin theo yêu cầu của pháp luật, phù hợp với Điều khoản sử dụng của sàn giao dịch và pháp luật hiện hành.

Khi được hỏi, liệu Binance có thể phát hiện và tự xử lý hoạt động “rửa tiền” hay các giao dịch phi pháp trên sàn hay phải có yêu cầu từ cơ quan chức năng mới xử lý? Đại diện sàn giao dịch tiền mã hoá này cho biết, đội ngũ của Binance sẽ tự phát hiện và đóng băng ngay lập tức các tài khoản được nghi ngờ giao dịch phi pháp chứ không chờ cơ quan chức năng gửi yêu cầu. Đồng thời, khi sự việc liên quan đến 2 quốc gia khác nhau, sàn giao dịch sẽ đóng băng tài khoản và tiến hành phối hợp xử lý dựa trên cơ sở quy định pháp luật của các quốc gia, để xác định xem tài khoản đó có phạm luật hay không. 

“Việc đóng băng tài khoản phải được tiến hành ngay lập tức, bởi giao dịch tiền mã hoá thường diễn ra rất nhanh, đây giống như hoạt động mèo rình bắt chuột, chuột thì liên tục chạy trong khi mèo phải luôn trang bị móng vuốt để bắt được nó một cách nhanh nhất”, đại diện Binance ví von.

Bên cạnh việc phối hợp, đại diện Binance cũng cho biết, họ thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn cho các cơ quan chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật ở nhiều quốc gia trên thế giới, về việc làm sao xác định được hoạt động “rửa tiền” và giao dịch phi pháp thông qua tiền mã hoá.