Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, Bộ sẽ nắm tình hình, đấu tranh, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, mạng xã hội.
Chiều 12/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang và Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã báo cáo, giải trình làm rõ một số vấn đề liên quan được nêu tại phiên chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp.
Không để tổ chức, cá nhân đưa tin giả gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự
Làm rõ một số hậu quả, hệ lụy liên quan đến tin giả, tin sai sự thật, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định, tin giả, tin sai sự thật gây hậu quả khôn lường, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, đang trở thành mối đe dọa lớn đối với tình hình kinh tế – xã hội, thậm chí đe dọa trực tiếp đến chủ quyền quốc gia và an ninh toàn cầu.
Các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến trên mạng xã hội hiện nay như: tạo dựng làm tán phát, đăng tải, chia sẻ, lưu trữ tin giả, tin sai sự thật; xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết; xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín của các tổ chức, cá nhân, gây những thông tin hoang mang, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của Nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân…
Một số đối tượng lợi dụng chức năng phát trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội để phát ngôn, tuyên truyền những nội dung mà chứa tin giả, tin sai sự thật, tác động tiêu cực tới tâm trạng xã hội và tình hình an ninh trật tự. Hệ lụy của tin giả cũng ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, đặc biệt đối với thị trường chứng khoán, tài chính bất động sản; có những thông tin gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, còn nổi lên một số các hành vi đáng chú ý khác như hành vi lập, sử dụng hội nhóm tiêu cực, tác động gây nhận thức lệch lạc, kích động những hành vi lệch chuẩn, bạo lực, cổ súy những hủ tục mê tín dị đoan, đồi trụy, kích dục như đại biểu đã phản ánh; hành vi tạo lập hội nhóm để thông tin đối phó, kích động, phản kháng, chống đối lại lực lượng chức năng…
Về các giải pháp cho tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, nắm tình hình, đấu tranh, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, mạng xã hội. Trong đó, trách nhiệm pháp lý đối với các đối tượng đưa tin giả, tin sai sự thật theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo nghị định của Chính phủ và các điều của Bộ Luật hình sự.
Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, mức xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe (từ 5 đến 10 triệu đồng); thiếu những quy định mang tính định lượng cụ thể để xác định xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Ví dụ, việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đến mức độ nào thì được coi là nghiêm trọng, trong khi đó chỉ cần thực hiện hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật, nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Do vậy, trong kiến nghị xử lý theo hướng không cần xem xét đến hậu quả xảy ra đối với những hành vi này để xử lý đủ sức răn đe.
Một giải pháp khác, theo Bộ trưởng Bộ Công an là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tin giả, tin sai sự thật; đồng thời tuyên truyền định hướng dư luận ý thức cảnh giác của người dân, nhất là những người sử dụng mạng xã hội để tạo ra được sức đề kháng đối với tin giả, tin sai sự thật, nhất là những thông tin xuyên tạc, kích động để đấu tranh vạch trần thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên không gian mạng, mạng xã hội.
Bộ Công an, khi hợp tác trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm với các cơ quan thực thi pháp luật của các nước đều thống nhất đấu tranh và hợp tác chia sẻ thông tin; nguyên tắc không để cho bất cứ một tổ chức, cá nhân nào đưa thông tin giả, tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân của nước khác.
Siết lại tôn chỉ, mục đích của báo và tạp chí
Làm rõ một số vấn đề liên quan được nêu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thời đại của chúng ta là thời đại công nghiệp 4.0, kinh tế đang hướng tới là kinh tế xanh, đặc biệt là kinh tế số, trong đó lĩnh vực công nghệ thông tin là then chốt. Để công nghệ thông tin phát triển, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đến 5 trụ cột cốt lõi: hạ tầng về công nghệ thông tin; dữ liệu lớn; bảo mật công nghệ thông tin, an ninh mạng; nguồn nhân lực; ứng dụng công nghệ thông tin như AI, internet vạn vật, điện toán đám mây…
Về nhóm vấn đề báo chí và mạng xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, báo chí cách mạng đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, lịch sử, tạo sự đồng thuận và niềm tin cho xã hội, định hướng dư luận và nêu gương người tốt, việc tốt, tôn vinh những tấm gương để xã hội học tập.
Để báo chí phát triển trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải hoàn thiện pháp luật báo chí và pháp luật có liên quan. Tăng cường đào tạo và tập huấn để theo kịp với công nghệ, yếu tố của thời đại. Định hướng tuyên truyền và cung cấp thông tin chính xác, mới mẻ, đúng đắn và có tính thời sự cao. Siết lại tiêu chí, tôn chỉ, mục đích của báo và tạp chí hiện nay. Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời. Đổi mới, tăng cường cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí, trong đó có chính sách thuế.
Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi. Tại phiên chất vấn đã có 36 ĐBQH chất vấn, 9 đại biểu tranh luận. Với kinh nghiệm trong quản lý nhà nước và lần thứ 3 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, trả lời khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin, truyền thông đã đạt được những kết quả tích cực. Báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng, thông tin tuyên truyền hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước… Bên cạnh đó, còn có những tồn tại, hạn chế như: còn tình trạng cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí hoạt động chưa bám sát tôn chỉ, mục đích; một số cơ quan báo chí sa đà khai thác mặt trái, hạn chế của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để trục lợi.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phát triển. Chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí bảo đảm chất lượng. Sớm ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/bo-truong-luong-tam-quang-xu-ly-nghiem-cac-doi-tuong-vi-pham-phap-luat-tren-khong-gian-mang-383008.html