BTO- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng nay 20/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Bình Thuận, Hải Dương, Sơn La tham gia, thảo luận.
Tham gia ý kiến, các đại biểu cho rằng việc xây dựng Luật này là phù hợp với nội dung văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 51, Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 09 của Ban Bí thư.
Phát biểu ý kiến, ĐBQH Đặng Hồng Sỹ cho rằng dù là lực lượng nào thì trong hệ thống chính trị cũng cần phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật tại điều 3 và điều 5 không thấy đề cập đến trong khi thực tế ở cơ sở rất cần. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào điều 3 hoặc điều 5 cho phù hợp.
Liên quan đến tiêu chuẩn tuyển chọn, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định điều kiện tuyển chọn là tốt nghiệp THCS, THPT. Theo đại biểu, nếu quy định như vậy sẽ khó khăn cho các địa phương, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, đại biểu cho rằng nên quy định điều kiện tuyển chọn là tốt nghiệp từ tiểu học để mở rộng lực lượng này. Đối với điều 4 về ưu tiên tuyển chọn nên ưu tiên tuyển chọn bộ đội hoặc công an xuất ngũ. Về kinh phí đảm bảo hoạt động, theo đại biểu cần phải có tính toán khả thi, chặt chẽ không nên để xảy ra tình trạng nợ kinh phí. Đồng thời cần phải bổ sung chế độ khen thưởng nhằm khích lệ, tạo động lực để lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở làm việc có hiệu quả hơn.
Bày tỏ quan điểm về dự thảo Luật, ĐBQH Bố Thị Xuân Linh cho rằng, tại khoản 2, điều 3 “hoạt động dưới sự quản lý của chính quyền địa phương, giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn và nhân dân”, theo đại biểu cần bổ sung thêm sau Ủy ban MTTQ Việt Nam cụm từ “Các tổ chức chính trị, xã hội ở các xã, phường, thị trấn” để thực hiện nhiệm vụ giám sát việc thực hiện Luật này. Tại điều 4 về vị trí chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đại biểu thống nhất cao sự điều chỉnh của Quốc hội, Chính phủ về vị trí vai trò, chức năng của lực lượng này. Đó là chuyển từ vị trí, chức năng quản lý trực tiếp thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh trật tự sang vị trí, chức năng là lực lượng hỗ trợ công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở..
Tham gia ý kiến, ĐBQH Phạm Thị Hồng Yến đề nghị dự thảo luật cần thiết kế các quy định để đảm bảo huy động, tổ chức, phối hợp triển khai hiệu quả, hợp lý đối với lực lượng dân phòng, lực lượng dân quân tự vệ. Về trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, Điều 28 của dự thảo luật có quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; vận động hỗ trợ, giám sát việc thực hiện pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đại biểu đề nghị bổ sung nội dung: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận không chỉ có trách nhiệm trong việc tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, mà thực tế phải tạo điều kiện cho nhân dân tích cực tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở…