Khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe năng lượng mới (NEV) ở Trung Quốc chậm lại, ngày càng nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tăng tốc thâm nhập thị trường nước ngoài.
Việc rào cản thương mại gia tăng ở châu Âu và Bắc Mỹ đang ảnh hưởng đến tốc độ mở rộng của họ. Nhưng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tích cực khám phá các thị trường mới ở phần còn lại của thế giới…
Bắt đầu từ “trái tim” châu Âu
Sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường (BRI) ở Bắc Kinh vào tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã dừng chân tại trụ sở của gã khổng lồ xe điện BYD ở Thâm Quyến để tìm hiểu về những phát triển mới nhất của các phương tiện sử dụng năng lượng mới (NEV) và pin xe điện.
Mặc dù 2 bên không ký bất kỳ thỏa thuận hợp tác nào khi đó, ông Orban nói rằng đất nước ông hoan nghênh các công ty Trung Quốc và cả 2 bên “bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ đến việc hợp tác cùng nhau”.
Chưa đầy 3 tháng sau chuyến thăm của ông Orban, BYD đã công bố vào tháng 12 năm ngoái rằng họ đang thành lập nhà máy sản xuất xe điện đầu tiên của mình ở châu Âu tại Hungary, bào hiệu tham vọng mở rộng sự hiện diện trên thị trường châu Âu của hãng xe điện hàng đầu Trung Quốc.
Ngoài BYD, trong năm qua, các công ty Trung Quốc khác trong ngành công nghiệp xe điện, chẳng hạn như CATL – nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất toàn cầu, và Eve Energy cũng đã công bố kế hoạch mở nhà máy ở Hungary, quốc gia châu Âu có quan hệ thân thiện với Bắc Kinh.
Nằm ở “trái tim” của châu Âu, Hungary vừa là điểm trung chuyển vừa là trung tâm phân phối cho các nước châu Á gia nhập thị trường châu Âu. Dựa trên các thỏa thuận của Liên minh châu Âu (EU), thương mại giữa các thành viên EU được miễn thuế giá trị gia tăng và thuế hải quan, vì vậy ô tô do các công ty Trung Quốc sản xuất tại các nhà máy ở Hungary của họ được miễn thuế nhập khẩu.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Inovev của Pháp, các thương hiệu Trung Quốc chiếm 8% số xe điện mới bán ra ở châu Âu vào năm 2023, tăng từ 6% vào năm 2022 và 4% vào năm 2021.
Ngoài những sản phẩm “Made in China”, các nhà sản xuất xe điện phương Tây còn mua nhiều nguyên liệu thô và linh kiện khác nhau từ Trung Quốc, trong đó quan trọng nhất là pin, được cho là “trái tim” của xe điện. Hiện nay, trong số 10 hãng bán pin xe điện hàng đầu thế giới, hơn một nửa trong số đó đến từ Trung Quốc.
Trong một hội nghị về ô tô vào tháng 10 năm ngoái tại thành phố Trường Xuân phía Đông Bắc Trung Quốc, Giáo sư Ferdinand Dudenhöffer thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ô tô ở Duisburg, Đức cho biết, nhu cầu về công nghệ pin Trung Quốc ở châu Âu là rất lớn và các hãng xe danh tiếng như Mercedes-Benz, BMW, và Volkswagen đều cần pin sản xuất tại Trung Quốc.
Do ngành xe điện nằm ở tuyến đầu trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và EU, các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang gấp rút chuyển đổi nhanh chóng các nhà máy sản xuất của họ để tăng cường sản xuất xe điện.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang dẫn đầu về chuỗi cung ứng cốt lõi, sản xuất hàng loạt cũng như phát triển sản phẩm và công nghệ xe điện. Như vậy, sẽ không dễ để các hãng xe châu Âu vượt mặt các đối thủ Trung Quốc trong thời gian ngắn.
Để kéo dài thêm thời gian cho các nhà sản xuất ô tô của mình, EU đã thực hiện một loạt biện pháp kiểm soát nhằm củng cố rào cản đối với xe điện Trung Quốc vào châu Âu, bao gồm quy định mới bắt buộc các nhà sản xuất pin xe điện phải tiết lộ lượng phát thải carbon trong sản phẩm của họ, cũng như các cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc.
Trong thời gian tới, các nhà điều tra EU sẽ đến thăm các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc gồm BYD, Geely và SAIC, như một phần của cuộc điều tra xem liệu họ có được lợi thế không công bằng nhờ trợ cấp của chính phủ hay không.
Chuyến thăm này, là một phần trong cuộc điều tra của EU dự kiến kéo dài 13 tháng, sẽ giúp xác định liệu EU có áp dụng mức thuế cao hơn đối với hàng đến từ Trung Quốc để bảo vệ các nhà sản xuất ô tô của khối này hay không.
Chỉ là vấn đề thời gian
Năm ngoái tại Trung Quốc, BYD đã ra mắt Seagull, một mẫu xe điện với mức giá hấp dẫn khoảng 11.000 USD. Nó nhanh chóng trở thành một trong những chiếc xe điện bán chạy nhất ở Trung Quốc.
Với lợi thế về giá, Seagull và các mẫu tương tự từ Trung Quốc rất có thể sẽ tràn ngập các thị trường trên thế giới, và cuối cùng cũng có thể trở thành hình ảnh phổ biến trên đường phố Mỹ. Để so sánh, mẫu xe điện Nissan Leaf phổ biến một thời có mức giá từ 28.000 USD.
“Không ai có thể sánh ngang với BYD về giá cả”, ông Michael Dunne, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn xe hơi tập trung vào thị trường châu Á Dunne Insights, nói với tờ Financial Times (Anh) hồi đầu tháng Giêng. “Các phòng họp ở Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản đang trong tình trạng sốc”.
Ông Dunne giải thích rằng chi phí trung bình của một chiếc ô tô mới ở Mỹ là 48.000 USD. Nếu một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tung ra sản phẩm trị giá 20.000 USD, ngay cả khi bị áp thuế hải quan 25%, “họ vẫn ở vị thế rất thuận lợi”.
Xe điện sản xuất tại Trung Quốc được bán ở hơn 100 quốc gia và Mỹ là thị trường duy nhất mà chúng “chưa thực sự bắt đầu một cuộc tấn công lớn”, ông Dunne nói với tờ Wall Street Journal (Mỹ).
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc phải đối mặt với thách thức lớn hơn khi vào thị trường Mỹ so với châu Âu. Chính quyền Biden đã tiếp tục chính sách của Chính quyền Trump là áp thuế hải quan 25% đối với xe nhập khẩu từ Trung Quốc.
Được ban hành vào tháng 8/2022, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) cũng củng cố chính sách “Mua hàng Mỹ”. Điều này đã loại trừ xe điện, pin cũng như các bộ phận và tài nguyên khác do các công ty Trung Quốc sản xuất khỏi chuỗi cung ứng của Mỹ.
Để mở rộng sự hiện diện tại thị trường Bắc Mỹ, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã tăng tốc mở rộng sang Mexico trong 3 năm qua, biến quốc gia này trở thành cấu nối quan trọng để các loại xe năng lượng mới của Trung Quốc tiến vào lục địa này.
Hiện tại, ít nhất 6 nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang nghĩ đến việc xây dựng nhà máy ở Mexico hoặc hợp tác chặt chẽ với các nhà phân phối địa phương.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng ngoài tiềm năng to lớn của thị trường địa phương, các công ty ô tô Trung Quốc còn chọn đầu tư vào Mexico do nước này có kinh nghiệm và chuyên môn trong ngành xe hơi. Đồng thời, địa chính trị và thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ cũng có lợi cho các nhà đầu tư.
Tờ Financial Times đưa tin rằng Washington đã bày tỏ quan ngại với Mexico về làn sóng đầu tư xe điện của Trung Quốc. Chính phủ Mỹ lo ngại rằng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ có thể lách các hạn chế do IRA áp đặt bằng cách sản xuất ô tô ở Mexico, vượt qua các đối thủ toàn cầu bằng các mẫu xe có công nghệ tiên tiến và giá cả cạnh tranh hơn.
Trong khi Mỹ cho biết họ không có ý định ngăn Trung Quốc đầu tư vào Mexico, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây đã kêu gọi Mexico “áp dụng các quy tắc thương mại một cách chính xác”. Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng hợp tác song phương giữa Trung Quốc và Mexico là vấn đề giữa 2 quốc gia có chủ quyền và bên thứ 3 không có quyền can thiệp.
Mặc dù các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng khi thâm nhập thị trường Mỹ, một số chuyên gia vẫn lạc quan về triển vọng của họ do xe điện Trung Quốc có lợi thế lớn về giá và sự thiếu hụt các lựa chọn chi phí thấp ở thị trường Mỹ. Họ cảm thấy rằng việc xe điện Trung Quốc chinh phục thị trường ô tô Mỹ chỉ là vấn đề thời gian.
“Họ (các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc) đã phát triển rất nhanh và đã phát triển trên quy mô lớn”, ông Bill Ford Jr., Chủ tịch điều hành Ford Motor, nói với CNN. “Họ không ở đây, nhưng chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ đến đây vào một lúc nào đó và chúng tôi cần phải sẵn sàng”.
Đông Nam Á vẫy gọi
Môi trường thân thiện với doanh nghiệp ở Đông Nam Á đã khuyến khích các nhà sản xuất xe năng lượng mới của Trung Quốc tăng tốc thâm nhập, biến khu vực này thành tâm điểm trong kế hoạch mở rộng ra nước ngoài của họ vào năm 2024.
Số liệu từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA) cho thấy, xuất khẩu xe Trung Quốc sang Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Bỉ giảm đáng kể trong tháng 11/2023. Đồng thời, xuất khẩu sang các nước như Thái Lan và Philippines tăng mạnh, báo hiệu một sự thay đổi trong lĩnh vực hoạt động chính ở nước ngoài từ châu Âu đến Đông Nam Á cho xe điện Trung Quốc.
Sau châu Âu, Đông Nam Á là thị trường lớn thứ 2 cho các công ty xe điện Trung Quốc mở rộng ra nước ngoài. Theo báo cáo được công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint công bố vào tháng 9 năm ngoái, doanh số bán riêng phân khúc xe điện trong quý II/2023 đã tăng mạnh tới 894% tại Đông Nam Á.
Mặc dù xe điện chỉ chiếm 6% tổng số xe mới bán ra ở Đông Nam Á trong quý II/2023 nhưng con số này vẫn gấp đôi so với quý trước. Vào đầu năm 2022, tỉ lệ này chỉ là 0,3%.
Theo ông Andy Zhou, người đứng đầu Deloitte China Automotive, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang tích cực mở rộng ở Đông Nam Á vì khu vực này có tiềm năng rất lớn về nhu cầu ô tô và dư địa tăng trưởng.
“Không giống như Trung Quốc, châu Âu và Mỹ, tỉ lệ thâm nhập của xe năng lượng mới ở Đông Nam Á thấp hơn, khiến nơi đây trở thành đại dương xanh cho các hãng xe. Sau 2 năm kích thích chính sách của chính phủ, đã có một bước đột phá đáng kể trong doanh số bán xe năng lượng mới tại thị trường này”, ông Zhou cho biết.
Báo cáo của Counterpoint kết luận rằng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ trở thành bên hưởng lợi lớn nhất từ nhu cầu xe điện của Đông Nam Á trong nay mai, và Thái Lan sẽ là một “điểm nóng” khi các nhà sản xuất ô tô mới mở cửa hàng tại nước này.
Là nhà sản xuất ô tô lớn nhất trong khu vực, Thái Lan tự hào có ngành công nghiệp ô tô toàn diện, thị trường nội địa khổng lồ và khả năng tiếp cận các thị trường lớn ở nước ngoài. Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã đẩy nhanh việc thiết lập dây chuyền sản xuất tại Thái Lan để đáp ứng nhu cầu tăng vọt trong khu vực.
Niken là thành phần chính của pin Lithium-ion, bộ phận quan trọng nhất của một chiếc xe điện. Khi ngành công nghiệp xe điện phát triển, tầm quan trọng của Niken ngày càng tăng. Do đó, các nhà sản xuất ô tô lớn đang tìm cách đầu tư vào Indonesia, nơi có trữ lượng Niken lớn nhất thế giới.
Theo hãng thông tấn Antara Indonesia, Chính phủ Indonesia cho biết 4 nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, bao gồm Wuling Motors và BYD, đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư vào nước này tính đến cuối tháng 12 năm ngoái.
Vào tháng 7/2023, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tiết lộ rằng Geely có kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD để xây dựng trung tâm ô tô lớn nhất đất nước tại thị trấn Tanjung Malim thuộc bang Perak.
Geely cho biết, Malaysia là sự lựa chọn chiến lược cho công ty và cửa ngõ cho họ vào thị trường Đông Nam Á. “Geely sẽ chủ động nắm bắt những cơ hội mới do tăng trưởng kinh tế trong khu vực mang lại và tăng cường đầu tư vào ASEAN”, hãng xe hơi Trung Quốc cho biết.
Ông Zhou, người đứng đầu Deloitte China Automotive, cho biết cả người tiêu dùng và chính phủ ở Đông Nam Á đều dễ tiếp thu vốn và thương hiệu Trung Quốc hơn, giúp các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thâm nhập thị trường trong khu vực dễ dàng hơn. Điều này sẽ phần nào bù đắp sự sụt giảm doanh số bán hàng tại châu Âu của họ.
Tuy nhiên, ông Zhou cũng nhấn mạnh rằng các hãng xe Nhật Bản đã hoạt động ở Đông Nam Á từ lâu và có lợi thế dẫn đầu trong lĩnh vực xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Khi xe điện Trung Quốc trở nên phổ biến hơn trong khu vực, chuỗi công nghiệp xe điện địa phương sẽ trở nên phức tạp hơn.
Trong thời gian tới, ngày càng nhiều hãng xe Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ đưa các mẫu xe điện của họ tới khu vực, làm gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường xe điện Đông Nam Á, ông Zhou nói.
Minh Đức (Theo Think China, Xinhua, Fortune)