Hội thảo có sự tham gia của hơn 600 đại biểu từ các bộ, ngành Trung ương, các đại sứ quán nước ngoài, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp thu mua sầu riêng xuất khẩu trong và ngoài nước.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 33.000 ha sầu riêng, trong đó, huyện Krông Pắc được xem là thủ phủ sầu riêng của địa phương này. Là tỉnh có tốc độ tăng trưởng sầu riêng nhanh nhất cả nước, nhưng ngành hàng sầu riêng của Đắk Lắk đang đối mặt với nhiều thách thức, như: Vùng nguyên liệu chưa tập trung, chủ yếu trồng xen với cà phê; quy mô sản xuất còn nhỏ; vùng trồng được cấp mã còn ít; ứng dụng công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch phát triển chưa nhiều, chất lượng chưa đồng đều; liên kết chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, kết cấu hạ tầng sản xuất thiếu đồng bộ…
Các đại biểu dụe hội thảo cho rằng, để tháo gỡ những điểm nghẽn này cần có sự vào cuộc của tất cả các bên, từ nông dân, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hâu, chất lượng sầu riêng cần được xem là yếu tố quan trọng nhất, do đó cần quan tâm hoàn thiện được kỹ thuật canh tác cho từng vùng.
“Chúng ta phải xây dựng cho được quy trình kỹ thuật canh tác ở từng nơi, kèm theo năng lực, kiến thức của người nông dân thì mới có thể sản xuất ra được những trái sầu riêng chất lượng. Chất lượng sầu riêng phải là quan trọng.
Do đó, các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị từ người nông dân cho tới nhà nước, doanh nghiệp tất cả phải có ý thức quan tâm xây dựng thương hiệu sầu riêng của địa phương mình và sầu riêng của Việt Nam như thế mới có thể phát triển bền vững” – Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hâu cho biết.
Còn theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Thị Thành Thực, Việt Nam chưa ban hành được nghị định cụ thể hướng dẫn về xây dựng mã vùng trồng, điều này đang gây khó khăn, lúng túng và phụ thuộc, thậm chí thua thiệt trong thương thảo hợp tác với các đối tác khi xuất khẩu.
Bà Thực cũng cho biết thêm rằng: “Chúng tôi mong muốn và đề nghị phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Sở có những hướng dẫn về mã vùng trồng Việt Nam. Khi chúng ta khẳng định và có những chứng minh về mặt khoa học của mã vùng trồng như vậy thì chúng ta mới quảng bá trên thế giới và đề nghị quốc tế công nhận. Chúng ta phải làm chủ, không phải chịu sự áp đặt hoặc copy và dán của các nước khác”.
Từ thực tế sản xuất sầu riêng tại địa phương, ông Trần Văn Thắng, đại diện Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp xanh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, mong muốn nhà nước có chiến lược phát triển ngành hàng sầu riêng dài hạn cùng các giải pháp tháo gỡ kịp thời.
“Nguồn lực rất hạn chế về tài chính, trình độ kỹ thuật, nguồn nhân sự… chính vì vậy chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng, ban ngành có thể hỗ trợ. Nếu hỗ trợ được về tài chính thì rất tốt hoặc hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm để làm sao tốt nhất đảm bảo được chi phí thấp nhất và nâng cao chất lượng sản phẩm ổn định lâu dài thì mới đáp ứng được thị trường của nước nhập khẩu” – ông Thắng bày tỏ.
Tại hội thảo, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng hệ sinh thái sầu riêng bền vững cũng được nhiều ý kiến quan tâm, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) nhằm tăng hiệu quả canh tác với cây sầu riêng.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/xay-dung-va-phat-trien-he-sinh-thai-sau-rieng-ben-vung-post1118250.vov