Thời gian qua, việc xây dựng các mô hình tự quản ở thôn, khu dân cư được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tại các địa phương, những mô hình này đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.
Trong nhiều năm nay, tổ tự quản về an ninh trật tự thôn Lúa (xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc) đã phát huy vai trò tích cực trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và trở thành một trong những điểm sáng trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” của địa phương. Đều đặn hàng tuần, các thành viên trong tổ đến với từng gia đình phổ biến những quy định mới về công tác đảm bảo an ninh trật tự, thông báo phương thức thủ đoạn của loại tội phạm như trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạn tài sản. Hoạt động bền bỉ của tổ tự quản đã giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Ông Lê Thạc Vang - người dân thôn Lúa chia sẻ, từ khi có tổ tự quản, an ninh, trật tự trong thôn xóm được đảm bảo, không xảy ra tình trạng trộm cắp vặt, các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân được kịp thời giải quyết.
Còn tại xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, mô hình “ngôi nhà xanh” thu gom phế liệu tái chế do Hội phụ nữ xã xây dựng đã góp phần thiết thực giảm thiểu rác thải nhựa. Với mục tiêu “biến rác thải thành tiền”, toàn bộ rác thải nhựa sẽ được phân loại, giữ lại trong “ngôi nhà xanh” để bán tạo nguồn kinh phí tổ chức hoạt động tập thể hoặc an sinh xã hội của các thôn, khu dân cư.
Bà Ninh Thị Linh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Trường cho biết, đến nay trên địa bàn xã đã xây dựng được 15 “ngôi nhà xanh” tại 8 chi hội. Sau gần 4 năm triển khai, mô hình này đã dần làm thay đổi thói quen và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cán bộ, hội viên và nhân dân. Tại các hộ gia đình rác thải nhựa được phân loại và thu gom nên không còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi như trước đây. Toàn bộ nguồn quỹ thu được từ bán rác tái chế được dùng cho các hoạt động an sinh xã hội, như tặng quà, đồ dùng học tập, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn…
Hiện nay, việc xây dựng các mô hình tự quản đã được tỉnh Hải Dương triển khai sâu rộng đến tất cả các thôn, khu dân cư. Ông Nguyễn Đức Tuấn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương khẳng định, qua thực tiễn các mô hình tự quản đã gắn kết, thúc đẩy người dân tham gia thực hiện các nội dung, tiêu chí về xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đến nay, toàn tỉnh có 865 mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, 928 khu dân cư thực hiện quy định văn minh trong việc tang. Trên địa bàn tỉnh có 1.109 mô hình khu dân cư tự quản về đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy. Đề án vận động toàn dân tham gia phòng ngừa phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư được triển khai hiệu quả ở 69 thôn, khu dân cư. Qua thực tiễn cho thấy các mô hình tự quản đã thực sự tạo sự thay đổi cơ bản về nhận thức của người dân trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương.
Ông Nguyễn Đức Tuấn cho biết thêm, để triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, trong thời gian tới Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương sẽ chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, thí điểm xây dựng các mô hình điểm “Khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”. Với phương châm “vì lợi ích của dân, thực hiện bằng sức dân và do dân tự quản”, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh sẽ tích cực tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết, đồng thuận để hướng tới xây dựng xóm làng, khu phố ngày càng ấm no, bình yên và hạnh phúc.
Nguồn: https://daidoanket.vn/xay-dung-khu-dan-cu-tu-quan-am-no-hanh-phuc-10299534.html
Bình luận (0)