Dự án quy mô quốc tế đầu tiên tại Nghệ An
Dự án khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An được khởi công từ tháng 9/2015, với quy mô 750ha, trong đó phát triển khu công nghiệp gần 368ha; khu đô thị và dịch vụ hơn 382ha.
Tính đến tháng 12/2023, khu công nghiệp VSIP Nghệ An đã thu hút 42 nhà đầu tư (44 dự án) với diện tích đất cho thuê 243,45ha (trên tổng diện tích đất xây dựng nhà máy 250,63ha), đạt tỷ lệ lấp đầy 97%. Dự kiến thu hút khoảng hơn 60.000 lao động địa phương. Tổng vốn đầu tư vào đây đạt 23.497 tỷ đồng (tương đương 1.012,8 triệu USD), trong đó, có 24 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) ở đây với tổng vốn đăng ký 948,4 triệu USD.
Hiện, 41 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó, 27 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, tạo việc làm bước đầu cho gần 16.000 lao động địa phương, 7 nhà đầu tư khác đang xây dựng nhà máy và 9 nhà đầu tư còn lại đã hoàn thành thủ tục đầu tư và đang thực hiện thủ tục quy hoạch để triển khai xây dựng. Các nhà đầu tư đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Điển đã đến đây và yên tâm đổ vốn đầu tư.
Trong quá trình phát triển, VSIP đã chuyển mình từ một khu công nghiệp truyền thống trở thành khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị, Dịch vụ có quy hoạch tổng thể đồng bộ theo hướng phát triển sạch và xanh, tiêu chuẩn Singapore tại Việt Nam. Đặc biệt, có sự kết hợp các yếu tố con người làm trung tâm, môi trường và sản xuất công nghiệp với tầm nhìn phủ xanh và những hoạch định chiến lược kiên định vì một sự phát triển bền vững chung cho cả cộng đồng.
Theo lãnh đạo VSIP Nghệ An, xác định lao động lúc này là nguồn nhân lực tài sản vô giá, các doanh nghiệp ở khu công nghiệp VSIP luôn quan tâm ưu tiên và có chính sách chăm sóc sức khỏe với người lao động. Vì vậy, ngay từ giai đoạn 1, dự án đã mang đến một trải nghiệm về phong cách sống mới và tiện nghi phù hợp với nhu cầu được sống trong môi trường hiện đại, an toàn cùng với tiện ích đa dạng và hài hòa với thiên nhiên của con người Nghệ An.
Để có được môi trường đầu tư hấp dẫn tại VSIP như hiện nay, sự đồng hành hỗ trợ từ chính quyền các cấp của tỉnh Nghệ An đóng vai trò rất quan trọng. Chính quyền địa phương dành thời gian, nguồn lực, quan tâm giải quyết các khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư.
Đặc biệt, Nghệ An tập trung tối đa các nguồn lực để đầu tư nâng cấp hệ thống cảng biển, đường bộ và các hệ thống hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo kết nối, cung cấp điều kiện cần thiết cho các nhà đầu tư để khu công nghiệp VSIP trở thành một điểm đến hấp dẫn.
Trong đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được đánh giá là khâu tiền đề, đảm bảo các công trình, dự án, đặc biệt là những dự án trọng điểm triển khai đúng tiến độ, thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là khâu khó, phức tạp, ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân.
Với VSIP, đây là khu công nghiệp lớn có diện tích lên tới 750ha, nhiều khu vực dân cư, nhà xưởng và một số khu vực nghĩa trang phân bố rải rác. Trong đó, địa bàn huyện Hưng Nguyên chiếm phần lớn với 578ha. Vì vậy, khối lượng công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng khá lớn và gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Chủ tịch huyện Hưng Nguyên cho biết, địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo và Hội đồng giải phóng mặt bằng theo từng dự án trọng điểm, nếu có vướng mắc đích thân lãnh đạo huyện xuống gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nhân dân, xây dựng niềm tin và sự thống nhất chung.
Với cách làm trên, đến thời điểm hiện tại huyện đã cơ bản giải phóng mặt bằng khu công nghiệp VSIP và chỉ còn khoảng 17ha đang còn vướng mắc. Trong đó, chủ yếu tập trung ở khâu mức giá tiền đền bù và bàn giao mặt bằng.
Hướng đến phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An cho biết, ngay từ thời điểm khu công nghiệp VSIP 1 trên đà được lấp đầy, thì Nghệ An sẽ chuẩn bị triển khai ngay khu công nghiệp VSIP 2 có quy mô sử dụng đất là 500ha tại huyện Diễn Châu.
Theo ông Nam, khâu chuẩn bị về hạ tầng của Nghệ An có sự gối đầu, cùng các cơ chế, chính sách về quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển đồng bộ, dẫn đến Nghệ An là điểm đến thu hút các nhà đầu tư. Cộng tất cả các hội tụ ấy, cùng với Nghị quyết 39 về phát triển kinh tế – xã hội Nghệ An tầm nhìn 2030 – 2035, với hành lang pháp lý, sự đồng thuận chính trị từ Trung ương đến địa phương đã tạo cho Nghệ An có bức tranh rất trọn vẹn về thu hút đầu tư, trong đó có thu hút vốn FDI.
Năm 2023, Nghệ An đón dòng vốn đầu tư vào địa bàn tăng vượt trội; riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chính thức vượt mốc 1,6 tỷ USD. Với kết quả đó, đây là năm thứ 2 liên tiếp Nghệ An nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành thu hút vốn đầu tư FDI tốt nhất của cả nước, đứng đầu về thu hút vốn đầu tư FDI tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.
Đại diện Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An cho biết thêm, trong vòng 3 năm tiếp theo, Nghệ An sẽ tập trung thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao về linh kiện điện tử, điện lạnh, cơ khí chính xác, phụ tùng ô tô xe máy… Đồng thời hướng đến phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch để phát triển theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, và bền vững.
Về mục tiêu thu hút FDI năm 2024, theo ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, địa phương cơ bản sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ chính gồm: sẵn sàng về mặt bằng đầu tư, sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng đổi mới cải cách cải thiện môi trường kinh doanh, sẵn sàng hỗ trợ đã tạo ra chuyển biến rõ rệt trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Tỉnh Nghệ An cam kết sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư; luôn quyết tâm cao và hành động thực chất để Nghệ An trở thành địa bàn đầu tư: “Thuận lợi, an toàn và tin cậy cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài”.
UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 3560/QĐ-UBND thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giảm xuống từ 9 – 18,4% so với năm 2018.