Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh” tổ chức hôm nay (22.11) là cơ hội để đánh giá, nhìn lại và đưa ra những giải pháp mới để giai cấp công nhân Việt Nam phát huy thế mạnh, cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.
Công nhân là lực lượng tiên phong trong quá trình xác lập phương thức sản xuất số. Ảnh: Hải Nguyễn
Chủ trì Hội thảo “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh” có các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang và Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Tạ Ngọc Tấn.
Lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định yêu cầu: “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Theo thống kê, tính đến tháng 10.2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người có mặt ở tất cả các thành phần kinh tế, các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Công nhân, người lao động nước ta có xu hướng trẻ hóa, lao động dưới 30 tuổi chiếm trên 60%. Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, trình độ học vấn của công nhân, người lao động nước ta không ngừng được nâng cao. Công nhân, người lao động là lực lượng có khả năng sáng tạo trong sản xuất và đời sống xã hội, thích ứng nhanh với cơ chế mới và tiếp cận nhanh với khoa học tiên tiến, công nghệ hiện đại, có vai trò quan trọng quyết định tốc độ phát triển của nền kinh tế.
Tuy nhiên, lực lượng người lao động nước ta còn bộc lộ một số hạn chế. Trong đó nổi bật lên là trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ còn thấp. Tiền lương, thu nhập của đại bộ phận công nhân, người lao động nhìn chung còn ở mức thấp. Vấn đề nhà ở và các thiết chế xã hội phục vụ công nhân, người lao động còn nhiều khó khăn, bất cập. Tình trạng vi phạm các quy định về tiền lương, phụ cấp, tiền làm thêm giờ, thời gian làm việc và nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… còn diễn ra khá nghiêm trọng, dẫn đến quan hệ lao động có diễn biến phức tạp, nhất là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân.
Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
Vấn đề xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được nêu trong Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28.1.2008, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, bên cạnh những thành công đạt được, giai cấp công nhân cần nhiều nỗ lực để thực hiện vai trò mới khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Một số thách thức mới đã được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra trong bài viết “Chuyển đổi số – Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, đó là: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển công cụ sản xuất trong nền kinh tế số tạo ra biến đổi sâu sắc trong lực lượng sản xuất, dẫn đến những mâu thuẫn mới với quan hệ sản xuất hiện hữu; vừa tạo tiền đề, động lực hình thành phương thức sản xuất mới trong tương lai, vừa đòi hỏi thay đổi căn bản cách thức tổ chức sản xuất và quản lý xã hội. Lực lượng sản xuất mới đang hình thành và phát triển mạnh mẽ; song chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, trong khi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ cao, vẫn là thách thức lớn. Quan hệ sản xuất còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất”.
Sứ mệnh của giai cấp công nhân hiện đại không chỉ đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số mà còn là nhân tố chủ lực trong quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại – “phương thức sản xuất số”.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, giai cấp công nhân Việt Nam phải tiếp tục khẳng định và giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, đồng thời kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân của Đảng.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách nhằm phát triển giai cấp công nhân trong bối cảnh hiện nay thể hiện ở việc chú trọng xây dựng môi trường xã hội, giải phóng lực lượng sản xuất. Đặc biệt cần chú trọng đến chính sách việc làm, chính sách nhà ở, chính sách bảo hiểm, chính sách tiền lương, chính sách ưu đãi tuyển chọn, sử dụng và đãi ngộ, tôn vinh những công nhân có tay nghề giỏi… để tạo ra nhiều việc làm mới, thu hút ngày càng nhiều lao động vào làm việc.
Bản thân người công nhân cũng cần phát huy khả năng của mình trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, trong đó nổi bật là khả năng ứng dụng, thích nghi và làm chủ công nghệ mới. Họ cần tham gia thực hành tiết kiệm và là lực lượng tiên phong trong việc chống lãng phí.
Bản thân tổ chức Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ cả tổ chức, nội dung lẫn phương thức hoạt động, theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12.6.2021, của Bộ Chính trị, “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Trong đó, yêu cầu nổi bật là đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp quần chúng, để ngày càng động viên, thu hút được đông đảo công nhân, người lao động trong các thành phần kinh tế gia nhập công đoàn và tự giác tham gia hoạt động công đoàn… Hoạt động của công đoàn phải hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy công nhân, viên chức, người lao động làm đối tượng vận động; lấy chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động làm mục tiêu hoạt động. Thông qua hoạt động công đoàn góp phần xây dựng giai cấp công nhân không ngừng lớn mạnh, thực hiện tốt sứ mệnh lịch sử của mình trong giai đoạn mới, cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.
Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/xay-dung-giai-cap-cong-nhan-viet-nam-hien-dai-lon-manh-cung-dan-toc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-1424710.ldo