Sáng nay (12/11), tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội chất vấn về lĩnh vực thông tin và truyền thông (TT&TT).
Tăng cường truyền thông chính sách
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề, tình trạng tiêu cực của phóng viên, biên tập viên thời gian qua phải chăng do sự bùng nổ của báo chí, tạp chí chuyên ngành trên các lĩnh vực, dẫn đến chất lượng chuyên môn thấp, đi xa tôn chỉ mục đích, vi phạm pháp luật.
Đại biểu Hoà đề nghị Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên và cho biết giải pháp để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo mạng và thông tin truyền thống?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, theo một nghiên cứu năm 2018 của một tổ chức về uy tín nghề nghiệp, thì phóng viên, báo chí xếp thứ 9/10 các nghề nghiệp được khảo sát, đứng thứ 10 là những người bán bất động sản online.
Tư cách đạo đức phóng viên rất được quan tâm trong những năm gần đây. Đến năm 2022, tổ chức trên làm khảo sát lại thì phóng viên đã đứng thứ 3, sau giáo viên và bác sĩ.
Về kinh tế báo chí, ông Hùng cho hay, 80% quảng cáo trực tuyến trước đây thuộc về báo chí thì bây giờ rơi vào mạng xã hội. Nguồn thu của các cơ quan báo chí giảm đáng kể.
Năm 2023, Thủ tướng đã ra chỉ thị về truyền thông chính sách, trong đó xác định rõ chính quyền các cấp phải coi truyền thông chính sách là một nhiệm vụ của mình, có bộ máy, có ngân sách hàng năm để đặt hàng cho báo chí. Đây là một nguồn tăng thêm cho báo chí về kinh tế báo chí.
Theo Bộ trưởng Hùng, báo chí cũng phải thay đổi công nghệ, về mặt nội dung không thua nhưng về công nghệ thì kém. Cần có một chiến lược về chuyển đổi số quốc gia cho báo chí để đưa công nghệ báo chí tương đương với các nền tảng mạng xã hội.
Ông Hùng nhấn mạnh đạo đức người làm nghề báo là quan trọng nhất. “Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo xác định trong nhiệm kỳ này tập trung vào vấn đề đạo đức nghề nghiệp đối với phóng viên báo chí”, Bộ trưởng cho biết.
Báo chí cần định hướng, dẫn dắt dư luận trên mạng xã hội
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) chất vấn về hiện tượng “người người làm báo, nhà nhà làm báo”, lập kênh riêng trên mạng để bán hàng, thông tin sai sự thật. Bà hỏi Bộ trưởng giải pháp giải quyết tình trạng trên và giải pháp nâng cao vai trò của báo chí chính thống?
Bộ trưởng TT&TT nói, khi mạng xã hội ra đời đã “lấy mất nghề” của báo chí vì mạng xã hội đưa tin nhanh hơn, có hàng chục triệu “phóng viên” ở khắp mọi nơi.
Vì thế, theo ông, báo chí phải làm khác mạng xã hội bằng cách thông tin xác thực, trách nhiệm, thay vì đưa tin thì phân tích đánh giá, thay vì bình luận thì đưa ra giải pháp, định hướng và dẫn dắt xã hội.
“Thông tin từ báo chí phải định hướng được dòng chảy trên không gian mạng. Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương xác định đây là định hướng chính để xác định lại vị trí, vai trò của báo chí”, ông Hùng nói.
Ông tái khẳng định báo chí phải sử dụng công nghệ của mạng xã hội để làm báo, coi mạng xã hội là công cụ, là nền tảng để phổ cập báo chí tốt hơn, và báo chí phải là khác mạng xã hội để có thể giữ vững trận địa của mình.
Tăng ngân sách cho báo chí
Tham gia chất vấn, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đề nghị Bộ trưởng TT&TT cho biết hướng đi để nâng cao chất lượng báo chí truyền thống và đảm bảo vai trò xung kích của báo chí trên mặt trận văn hóa tư tưởng, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng trực tuyến.
Trả lời đại biểu Yên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói “báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi”.
Cách đây nhiều năm, khi kinh tế thị trường mới ở Việt Nam, các doanh nghiệp phải quảng cáo để bán hàng nên chi khá nhiều tiền cho quảng cáo và lúc đó chỉ có mỗi phương tiện là báo chí.
Dù mong muốn tự chủ và hoạt động linh hoạt hơn, các cơ quan báo chí truyền thống đang phải đối mặt với thách thức lớn khi nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến bị mạng xã hội chiếm lĩnh. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi số lượng cơ quan báo chí ngày càng tăng trong khi nguồn thu lại giảm sút.
Ông Hùng cho biết trong chỉ thị của Thủ tướng về truyền thông chính sách, bộ, ngành địa phương phải coi truyền thông là việc của mình, phải có ngân sách hàng năm để thực hiện. Và từ năm ngoái, các cơ quan đã tăng ngân sách cho báo chí.
Khi sửa Luật Báo chí sắp tới, Bộ sẽ có một mục nói về kinh tế báo chí, cho phép cơ quan báo chí lớn được kinh doanh nội dung, lĩnh vực truyền thông.
Cho rằng nếu báo chí chạy theo mạng xã hội sẽ đứng ở phía sau, Bộ trưởng TT&TT mong muốn báo chí phải có cách làm khác biệt là quay lại giá trị cốt lõi, dùng công nghệ số, lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, thu hút quảng cáo.
“Trong quy hoạch báo chí có nội dung Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông, tạo điều kiện, cơ chế đặc biệt cho họ. Tôi rất mong Quốc hội ủng hộ giao Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù cho các cơ quan báo chí chủ lực”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Nền tảng mạng xã hội phải rà quét, gỡ bỏ thông tin xấu độc
Chỉ ra sự bùng nổ của mạng xã hội đã kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực, trong đó đáng chú ý là tình trạng tin giả, tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận và tác động xấu đến xã hội, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng TT&TT chia sẻ giải pháp ngăn chặn tình trạng này.
Khẳng định việc quản lý thông tin trên mạng xã hội là một thách thức chung của toàn cầu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Trước đây quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội đưa thông tin sai sự thật, nhưng mới đây đã có nghị định xử lý các nền tảng mạng xã hội khi vi phạm luật pháp Việt Nam.
Tư lệnh ngành TT&TT cho rằng, trách nhiệm lớn của các nền tảng mạng xã hội trong việc tự chủ quản lý nội dung, đảm bảo thông tin chính xác và lành mạnh được lan tỏa. Bởi họ có không gian riêng, có thuê bao riêng lên tới hàng trăm triệu đến hàng tỷ người dùng.
“Nền tảng mạng xã hội phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện tự động gỡ bỏ thông tin xấu độc”, Bộ trưởng TT&TT nói.
Cho rằng không gian số còn mới lạ với nhiều người, việc thích nghi cần thời gian, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường công tác truyền thông và giáo dục để giúp người dân đề kháng trên không gian số, nâng cao kỹ năng nhận biết và phòng tránh thông tin sai lệch.
Khi người dân bị ảnh hưởng bởi tin sai có thể liên hệ với Trung tâm Tin giả quốc gia và cấp địa phương để phản ánh và đề nghị giúp đỡ.
Phóng viên tiêu cực chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”
Nêu tình trạng một số cơ quan báo chí thường nêu mặt trái của doanh nghiệp để trục lợi, có một số phóng viên tiêu cực, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng TT&TT chia sẻ giải pháp khắc phục.
Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, năm 2023-2024, mỗi năm có 14-15 phóng viên bị bắt. Tuy nhiên so với 21.000 người có thẻ nhà báo và 45.000 người làm báo thì đây là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”.
80% phóng viên bị bắt từ các tạp chí nhỏ, của các hội nghề nghiệp, do các cơ quan chủ quản và tổng biên tập tạp chí đó buông lỏng quản lý. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng tiêu chuẩn nhận dạng “báo hóa tạp chí”, để toàn xã hội giám sát và phục vụ tranh tra, kiểm tra.
Mô hình báo chí lý tưởng là “đi bằng hai chân”
Tham gia tranh luận, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc báo chí tự chủ. Sự hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết, nhưng cần được định hướng rõ ràng, tập trung vào việc hỗ trợ báo chí thực hiện tốt vai trò truyền thông chính sách, chứ không chỉ là nguồn thu để cơ quan báo chí duy trì hoạt động.
Đồng tình với chỉ thị của Thủ tướng về truyền thông chính sách, ông Nghĩa cho rằng, hiệu quả của công tác truyền thông chính sách mới là điều quan trọng nhất.
Việc cấp kinh phí cho các cơ quan báo chí để thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách là cần thiết, nhưng cần đảm bảo rằng báo chí phải tự chủ, cạnh tranh được với các kênh thông tin khác, đặc biệt là mạng xã hội.
Ông Nghĩa đặt ra câu hỏi về khả năng huy động nguồn lực tài chính cho hoạt động này.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra sự thay đổi trong mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí Việt Nam. Từ việc hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước, báo chí hiện nay đã chuyển sang tự tìm kiếm nguồn thu để tồn tại và phát triển. Hiện 30% cơ quan báo chí là nhận từ ngân sách, còn 70% là tự bươn chải.
Tuy nhiên, hiện nhiều cơ quan báo chí có tầm ảnh hưởng lớn lại không được hỗ trợ, hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường. Do đó, việc Nhà nước đặt hàng truyền thông và chi trả kinh phí là một hình thức hỗ trợ báo chí.
“Mô hình báo chí lý tưởng là mô hình đi bằng hai chân, kết hợp giữa việc nhận đặt hàng từ Nhà nước và tự tìm kiếm nguồn thu trên thị trường”, Bộ trưởng TT&TT nhìn nhận.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-xay-dung-co-che-dac-thu-cho-cac-co-quan-bao-chi-chu-luc-192241112101358218.htm