Với mục tiêu kiểm soát chất lượng nông sản, ổn định đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực xây dựng và hình thành các chuỗi cung ứng nông sản an toàn (NSAT). Tuy nhiên, do sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, vốn đầu tư lớn, đầu ra bấp bênh, công tác giám sát chất lượng chưa đồng bộ… nên quá trình xây dựng chuỗi NSAT đang đối mặt với nhiều gian nan.
Nông dân xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc) tham gia vào chuỗi cung ứng rau an toàn.
Tại huyện Vĩnh Lộc, để hình thành các chuỗi cung ứng NSAT, huyện đã tạo điều kiện và khuyến khích các xã, thị trấn, doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm an toàn. Theo đó, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân, đổi mới giống cây trồng, chọn lọc các sản phẩm chủ lực, phù hợp với thị trường để nhân rộng diện tích như lúa, rau, củ, quả, thịt… sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Huyện cũng phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng biểu mẫu ghi chép, lưu trữ hồ sơ, hỗ trợ kiểm soát, giám sát chất lượng sản phẩm và dán tem truy xuất nguồn gốc.
Tại chuỗi sản xuất rau an toàn xã Vĩnh Tiến, chị Phan Thị Dung cho biết: Khi tham gia vào chuỗi cung ứng NSAT, chúng tôi được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, như: làm đất, sử dụng chế phẩm sinh học, bón phân, thu hoạch, sơ chế sản phẩm… Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để sản xuất như nhà lưới, đất, nước tưới, hệ thống tưới tiết kiệm… Tuy nhiên, khi tham gia vào chuỗi cung ứng NSAT, ban đầu tôi gặp nhiều khó khăn do các công đoạn đòi hỏi sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt từ khâu sản xuất, sơ chế, tiêu thụ… vì chỉ cần một “mắt xích” bị đứt gãy sẽ không thể hình thành chuỗi. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên gia đình tôi còn e dè, khối lượng, chủng loại sản phẩm còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ yêu cầu của doanh nghiệp.
Được biết, hiện nay toàn huyện Vĩnh Lộc đã hình thành được 6 chuỗi cung ứng NSAT rau, lúa gạo tại các xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Phúc, Vĩnh Hòa, Ninh Khang, Vĩnh Yên. Trước thực tế số lượng chuỗi cung ứng NSAT còn hạn chế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc Trịnh Việt Cường cho biết: Việc xây dựng các chuỗi cung ứng NSAT trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn do quy mô sản xuất nông nghiệp tại các xã, thị trấn còn manh mún, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất, sơ chế, bảo quản chủ yếu theo phương thức truyền thống, canh tác theo thói quen, do đó việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đồng nhất còn gặp khó khăn, trong khi đó, nhu cầu của thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng cao, không những về vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn đảm bảo về bảo vệ môi trường. So với vốn đầu tư để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chi phí bao bì, tem nhãn… thì giá bán các sản phẩm chưa được như mong muốn của người sản xuất, trong khi người tiêu dùng khó phân biệt được sản phẩm trong và ngoài chuỗi.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Trung Nguyễn Văn Thịnh cho rằng: Số chuỗi cung ứng NSAT hiện nay còn hạn chế do khá nhiều người dân còn thấy “xa lạ” với khái niệm chuỗi liên kết, việc thực hiện liên kết sản xuất giữa người dân với doanh nghiệp thông qua hợp đồng còn chưa chặt chẽ. Đối với mặt hàng nông sản, nhất là rau, quả, khâu bảo quản rất quan trọng mà hiện nay quá trình sơ chế, bảo quản chủ yếu theo phương thức truyền thống, chưa được chú trọng đầu tư nên tổn thất sau thu hoạch còn chiếm tỷ lệ cao. Một thực trạng nữa là hiện nay hầu hết các loại nông sản mang tính thời vụ cao, vì vậy khối lượng và chủng loại các sản phẩm nông sản chưa đủ và không đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thụ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.050 chuỗi cung ứng NSAT, tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng được cung cấp thông qua các chuỗi đạt hơn 55%. Thực tế cho thấy, đây là khó khăn ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh nên số lượng chuỗi còn hạn chế. Vì vậy, thời gian tới các địa phương cần giải pháp thay đổi phương thức sản xuất, từ nhỏ, lẻ sang quy mô lớn, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng phạm vi cung ứng theo chuỗi đến các bếp ăn tập thể, trường học, khách sạn, nhà hàng… Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần quy hoạch các vùng sản xuất an toàn tập trung, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất. Đồng thời, giám sát chất lượng sản phẩm và dán tem sản phẩm đã được kiểm soát theo chuỗi, in bao bì để nhận diện sản phẩm, quảng bá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tham gia các hội chợ thương mại để giới thiệu sản phẩm.
Bài và ảnh: Lê Ngọc