Thành phố Hải Phòng đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, Nghị quyết 169 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng là cơ sở để thành phố xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả cao.
Từ đó, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển bứt phá của thành phố cũng như tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Chính quyền chủ động, người dân hợp tác
Anh Nguyễn Văn Thoa có mảnh đất ở thôn 6, xã Thủy Sơn cũ, nay là phường Thủy Đường (thành phố Thủy Nguyên). Khi có công việc cần giao dịch với ngân hàng, anh được hướng dẫn phải làm đính chính mảnh đất hiện nay theo địa chỉ mới. Ngày 17-1, anh Thoa tới bộ phận “một cửa” của thành phố Thủy Nguyên nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, căn cước công dân, được giao giấy hẹn tới ngày 10-2 lên nhận giấy tờ. “Theo quy định với giấy tờ đính chính, công dân sẽ nhận 10 ngày kể từ khi nộp hồ sơ, song tôi làm thủ tục này đúng vào dịp cận Tết nên phải đợi lâu hơn. Tuy nhiên, tinh thần, thái độ phục vụ ân cần, hướng dẫn chu đáo của nhân viên bộ phận “một cửa” khiến tôi thoải mái, sẵn sàng chờ đợi đến lịch hẹn”, anh Thoa cho biết.
Sự cảm thông, hợp tác của công dân với chính quyền rất đáng ghi nhận bởi lẽ đây vừa là thời điểm cận Tết, vừa chuyển đổi mô hình hoạt động của địa phương như Thủy Nguyên từ huyện lên thành phố hay như An Dương từ huyện lên quận nên có những tác động nhất định, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Trên thực tế, quá trình triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và nhân dân.
Trong đó, các cấp, ngành cần tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo đúng tinh thần của Nghị quyết 169 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, không gây gián đoạn trong hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công; nhanh chóng kiện toàn hệ thống chính quyền các cấp sau khi sắp xếp, bảo đảm tính thống nhất, liên thông trong quản lý nhà nước; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành tiếp tục tăng cường sự đồng thuận, ủng hộ cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân. Muốn vậy, mỗi cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của nghị quyết. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là liên quan đến thay đổi giấy tờ, hồ sơ của người dân và doanh nghiệp sau sắp xếp; giải quyết thấu đáo các vướng mắc, kiến nghị phát sinh trong quá trình triển khai; bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức, người lao động, nhất là những người chịu tác động từ việc tinh giản biên chế hoặc sắp xếp lại vị trí việc làm.
Bước đột phá để Hải Phòng phát triển năng động hơn
Trên thực tế, trước thành phố Hải Phòng, cả nước có một số thành phố trực thuộc Trung ương áp dụng mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, như: thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Trong mối tương quan chung giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước, thành phố Hải Phòng được xác định không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, còn là trọng điểm phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển của khu vực Bắc Bộ và cả nước. Trên thực tế, Hải Phòng hiện đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, Nghị quyết 169 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng được thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và được thực hiện từ ngày 1/7/2026 để tương ứng với nhiệm kỳ 2026-2031 của HĐND, UBND các cấp như đối với các địa phương khác. Đây là cơ sở để thành phố xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả cao, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý, từ đó, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển bứt phá của thành phố.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống, thành phố tiếp tục phân cấp mạnh mẽ trong hệ thống chính quyền về các lĩnh vực như quản lý đô thị, quy hoạch, đầu tư, tài chính, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp quy mô, đặc thù của các đơn vị hành chính sau sắp xếp. Tập trung nguồn lực vào phát triển, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo sức hút các nhà đầu tư và nâng cao chất lượng sống của người dân, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị thông minh, hiện đại.
Cùng với đó, tăng cường giám sát việc thực hiện để kịp thời phát hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhất là chú ý bố trí, quản lý, sử dụng trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị theo đúng quy định, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả cao…
Đất nước ta đang có sự thay đổi, phát triển, chuyển mình vượt trội về mọi mặt; khí thế, quyết tâm đổi mới đang lan tỏa trong cả hệ thống chính trị; niềm tin của nhân dân đang được nâng cao và mong đợi, kỳ vọng về tương lai phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Phát huy truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”, tinh thần sáng tạo, tiên phong, tin tưởng với sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của Trung ương, trong đó có Nghị quyết 169 của Quốc hội về mô hình chính quyền đô thị tại Hải Phòng, thành phố tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực; cải cách, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Theo NAM GIANG (Báo Hải Phòng)
Nguồn: https://vietnamnet.vn/xay-dung-chinh-quyen-do-thi-hai-phong-tinh-gon-hieu-qua-2369195.html
Bình luận (0)