Thúc đẩy thị trường BĐS, chứng khoán
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 28 ngày 5/3/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu phục vụ điều hành kinh tế – xã hội để kịp thời có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả, chủ động, thích ứng với tình hình, xu thế mới và điều chỉnh chính sách của các nước;
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; theo thẩm quyền hoặc báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung ngay những quy định chưa phù hợp với thực tiễn để vừa bảo đảm tính hiệu quả, tuân thủ trong giải quyết công việc, vừa khuyến khích cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Theo dõi, bám sát việc triển khai các cơ chế, chính sách đã ban hành, việc thực hiện những nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền giao để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc.
Kịp thời chỉ đạo lực lượng chức năng rà soát, nắm tình hình, phát hiện những dấu hiệu tiêu cực, bất thường trong thực thi nhiệm vụ, nhất là đối với những lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm, tham nhũng, để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng và thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm toàn diện, đa tầng, hiện đại, bao trùm, bền vững. Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, không để đứt gãy nguồn cung lao động;
Chú trọng phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực, ngành, nghề mới, nổi trội (như chip bán dẫn, hydrogen, tín chỉ các bon…), đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04 ngày 11/2/2024 và công tác cải cách thủ tục hành chính;
Tập trung cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử, tái sử dụng dữ liệu để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên thông toàn trình, tạo sự chuyển biến thực chất trong việc cung cấp dịch vụ công, giảm phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp;
Tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý theo thời gian thực để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan trung ương và địa phương khai thác, phân tích phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ ra quyết định.
Triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024
Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan, địa phương chủ động xây dựng, ban hành các văn bản quy định và thực hiện các công việc cụ thể được giao để triển khai chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2024 theo đúng kết luận của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ quy định; thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thu ngân sách nhà nước, mở rộng cơ sở thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế.
Rà soát, xem xét ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất… để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, nhất là chi thường xuyên, rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết.
Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, kết hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác;
Điều hành hợp lý giữa ti giá và lãi suất phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay;
Rà soát các điều kiện cho vay, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn; cơ cấu lại các khoản vay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng.