Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Ngày 20.1, mực nước cao nhất ngày tại các trạm trên các sông, kênh rạch khu vực TP.HCM lên nhanh đến giữa tuần, riêng trạm Nhà Bè xuất hiện vào đầu tuần. Dự báo đỉnh triều cao nhất ở mức xấp xỉ hoặc dưới báo động 3 khoảng 0,05m. Tình trạng triều cường cao trong mùa khô đi liền với hiện tượng xâm nhập mặn.
Hiện tại đang trong giai đoạn mùa nắng, lượng nước từ đầu nguồn các con sông về ít nên nước biển theo các cửa sông vào sâu trong đất liền gây nên tình trạng xâm nhập mặn.
Độ mặn lớn nhất tại hầu hết các trạm xuất hiện vào giữa tuần, riêng trạm Nhà Bè xuất hiện vào đầu tuần; ở mức lớn hơn so với cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm. Ranh mặn 4%0 xâm nhập sâu nhất trên sông Sài Gòn khoảng 65 – 70 km. Vào tuần sau, trên sông Sài Gòn, ranh mặn 4%0 xâm nhập sâu khoảng 68 – 73 km.
“Rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên các sông khu vực TP.HCM ở cấp độ 3. Xâm nhập mặn vào sâu trong các sông, kênh, rạch khu vực TP.HCM ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân”, bản tin cảnh báo tác động của xâm nhập mặn.
Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, cho biết: Năm nay xâm nhập mặn đến sớm và tăng nhanh do đang chuẩn bị bước vào đợt triều cường đầu tháng chạp. Bên cạnh đó, gió mùa đông bắc hoạt động mạnh trên Biển Đông đẩy nước biển vào sâu trong các con sông. Hiện tại các địa phương như Cần Giờ, Nhà Bè, Cát Lái bị ảnh hưởng. Khả năng ảnh hưởng sâu và nặng hơn trong các đợt triều cường sắp tới. Đến đầu tháng 2 âm lịch, xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến khu vực nhà máy nước Thủ Đức.
Liên quan tới hoạt động của gió mùa đông bắc, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Trên vùng biển từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Cà Mau, gió mùa đông bắc sẽ hoạt động tăng dần về cường độ và ở cấp 5 – 6 giật cấp 6, có lúc cấp 7; sóng biển cao từ 1,5 – 2,2m; biển động nhẹ đến động. Rủi ro thiên tai ở cấp 2.