Cụ thể, Lâm Ngọc Ngân (TP.Cần Thơ, cựu sinh viên Trường ĐH Cần Thơ), Nguyễn Hà Phương Thảo (tỉnh Lâm Đồng, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội) nhận học bổng STEM dành cho nữ giới của chương trình hỗ trợ tiến bộ giáo dục trẻ em gái ASEAN-Anh (ASEAN-UK SAGE) để học thạc sĩ ở ĐH Warwick; Nguyễn Vũ Tường Linh (TP.HCM, cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM), Nguyễn Thị Thu Thủy (Hưng Yên, cựu sinh viên Học viện Ngoại giao), Trương Ngọc Mai (Thái Nguyên, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nhận học bổng STEM dành cho nữ giới của Hội đồng Anh để học thạc sĩ tại ĐH Bristol.
Theo Hội đồng Anh, hai chương trình học bổng đều nhằm giải quyết sự chênh lệch về giới tính trong việc tiếp cận giáo dục ở các lĩnh vực STEM. Tổng cộng, toàn ASEAN và Timor-Leste (11 quốc gia) có 24 suất học bổng toàn phần, mỗi chương trình 12 suất. Sau khi sàng lọc hàng trăm đơn đăng ký, Việt Nam đã giành đến 5 suất, một thành tích được cho là “xuất sắc”.
“Những cá nhân tài năng này đều đã chia sẻ được niềm đam mê của mình và tầm nhìn tạo ra sự khác biệt thông qua STEM, một lĩnh vực mà phụ nữ thường thiếu đại diện. Phụ nữ chỉ chiếm 29,2% lực lượng lao động trong khối ngành STEM trên toàn cầu, mặc dù con số này chiếm gần một nửa trong các lĩnh vực lao động không phải STEM, theo dữ liệu từ Diễn đàn kinh tế thế giới”, Hội đồng Anh thông tin.
Cũng theo Hội đồng Anh, chương trình học bổng khối ngành STEM dành cho nữ giới của ASEAN-UK SAGE và Hội đồng Anh sẽ nhận đơn đăng ký trở lại vào tháng 1.2025.
Bà Sarah Tiffin, Đại sứ Anh tại ASEAN, nhận định rằng với vai trò là đối tác đối thoại của ASEAN, Anh cam kết hỗ trợ giáo dục cho trẻ em gái trong khu vực ASEAN thông qua chương trình SAGE, đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục chất lượng cho tất cả các trẻ em gái. Theo bà Tiffin, tài năng và sự cống hiến của các học giả Việt Nam là nguồn cảm hứng cho nhiều nữ giới khác trong khu vực và trên thế giới.
Bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam, đồng tình với quan điểm trên. Theo bà McGowan, các học bổng có mục đích trao quyền cho phụ nữ, tạo ra các hình mẫu và củng cố thái độ tích cực với giáo dục STEM cho phụ nữ, trẻ em gái. “Tôi tin những câu chuyện thành công cùng vai trò của các học giả Việt Nam trong tương lai sẽ truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ, trẻ em gái hơn nữa để đạt được những thành công trong sự nghiệp STEM”, nữ giám đốc cho hay.
Theo thông tin từ các trường ĐH, hai học bổng bao gồm học phí, trợ cấp sinh hoạt, vé máy bay khứ hồi, chi phí đi lại, lệ phí thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, phí xin thị thực và bảo hiểm y tế. Để nộp đơn, ứng viên cần đáp ứng nhiều tiêu chí như: đã trúng tuyển vào các trường chỉ định, đã hoàn thành bậc cử nhân, chứng minh được khả năng đóng góp cho đất nước trong tương lai, về nước tối thiểu 2 năm sau khi kết thúc chương trình học bổng và cam kết sẽ hoạt động tích cực trong lĩnh vực STEM…
Tại các nước ASEAN, trẻ em gái thường vượt trội hơn trẻ em nam về toán, khoa học ở bậc tiểu học, trung học. Khoảng cách giới bắt đầu xuất hiện ở giáo dục STEM bậc ĐH khi chỉ 19,3% nữ giới có 1 bằng ĐH ngành STEM so với 39,8% ở nam giới. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2022, nữ giới chỉ tham gia 20% công việc STEM trên toàn cầu. Nhiều nghiên cứu khác cũng nêu bật sự chênh lệch về việc xuất bản bài báo khoa học, thu nhập và khả năng thăng tiến nghề nghiệp của phụ nữ trong lĩnh vực STEM.
Nguồn: https://thanhnien.vn/vuot-hang-tram-nguoi-5-nu-sinh-viet-nam-nhan-hoc-bong-toan-phan-du-hoc-anh-185240815125742806.htm