Buôn Trí, xã Krông Na được thành lập năm 1977, toàn buôn hiện có 350 hộ, 1.218 khẩu, với 12 dân tộc cùng sinh sống. Đây là vùng đất nổi tiếng về nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng của tỉnh Đắk Lắk cũng như vùng Tây Nguyên.
Buôn Trí nằm gần Trung tâm du lịch Buôn Đôn và các khu, điểm du lịch có thương hiệu, lại có nhiều điểm tham quan lịch sử, văn hóa, cảnh quan đẹp như nhà sàn cổ trăm tuổi, mộ vua săn voi Khunjunob, cầu treo Buôn Đôn; hệ sinh thái Vườn Quốc gia Yok Đôn, bãi cây si giữa dòng sông Sêrêpốk…
Các đại biểu về dự Lễ công bố du lịch cộng đồng đối với buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. |
Đặc biệt, hiện nay buôn Trí vẫn còn giữ gìn được nhiều giá trị truyền thống như nghề thủ công đan lát, dệt thổ cẩm, ủ rượu cần, bến nước hoang sơ, 117 ngôi nhà sàn truyền thống; đồng thời duy trì nhiều lễ hội truyền thống và văn hóa ẩm thực độc đáo của các dân tộc… Vì vậy, buôn Trí hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Buôn Đôn Y Si Thắt Ksơr vui mừng cho biết, việc công bố buôn du lịch cộng đồng đối với buôn Trí, xã Krông Na là một trong những mục tiêu đa dạng hóa các loại hình du lịch trên địa bàn huyện. Đây là buôn du lịch cộng đồng đầu tiên của huyện.
Để nâng cao hiệu quả của loại hình du lịch cộng đồng một cách bền vững, ngành du lịch cần tập trung phát triển theo hướng có chất lượng, trọng tâm, trọng điểm theo chiều sâu. Đồng thời, tập trung khai thác các sản phẩm đặc trưng sẵn có của địa phương, nhất là các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa để xây dựng thương hiệu nổi bật.
Các phụ nữ Lào ở buôn Trí, xã Krông Na tại lễ công bố buôn du lịch cộng đồng. |
Đồng thời, để góp phần định hướng và cùng người dân buôn Trí chung tay bảo tồn và phát huy thế mạnh thành một điểm đến du lịch cộng đồng đặc sắc, tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương quan tâm hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch, công tác đào tạo tập huấn kỹ năng nghề du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, bảo vệ môi trường…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho rằng, để mô hình du lịch cộng đồng buôn Trí phát triển ổn định, bền vững thì trước hết Ban Quản lý Du lịch cộng đồng buôn Trí cần thực hiện tốt quy chế hoạt động, cùng người dân quản lý phát huy tốt các tài sản được hỗ trợ. Đồng thời, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, môi trường dịch vụ an toàn, văn minh, giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Các đại biểu trồng cây xanh tại buôn du lịch cộng đồng buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. |
Đối với Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk và các doanh nghiệp du lịch lữ hành cần phối hợp cùng Ban Quản lý du lịch cộng đồng buôn Trí quan tâm xây dựng chương trình du lịch gắn với hoạt động du lịch của buôn, vừa khai thác những tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, các di tích lịch sử, văn hóa, vừa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống về mọi mặt cho người dân địa phương…
Như vậy, đến nay buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn là buôn du lịch cộng đồng thứ 2 của tỉnh Đắk Lắk. Trước đó, vào ngày 3/3/2023, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ công bố buôn du lịch cộng đồng Akŏ Dhông, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, buôn du lịch cộng đồng đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.