Dù cô giáo Trương Phương Hạnh – giáo viên Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TPHCM – giải thích rằng nghĩ việc đề nghị phụ huynh hỗ trợ là xã hội hóa giáo dục, mua laptop phục vụ việc dạy học cho chính con cái của họ…, thì đó cũng không thể gọi là “bình thường”. Xin tiền người khác, dù bất cứ lý do gì, cũng đã là bất thường.
Một giáo viên có thâm niên 30 năm đứng lớp không thể có lối suy nghĩ “đơn giản” đến ngây ngô về khái niệm “xã hội hóa giáo dục” như vậy.
Xã hội hóa giáo dục không đơn giản cứ thiếu tiền là vận động phụ huynh đóng góp. Thực tế là có một thời gian khá dài, nhiều nhà quản lý giáo dục đã cố tình hiểu lệch rồi vận dụng sai chủ trương xã hội hóa. Điều này đã biến một chủ trương rất có ý nghĩa, nhằm huy động sự chung sức của cả xã hội chăm lo cho giáo dục thành một cuộc vận động đóng góp của phụ huynh với nhiều hình thức khác nhau, thông qua cánh tay nối dài do chính nhà trường dựng nên: Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Tình trạng lạm thu kêu mãi bao năm qua vẫn không thể dẹp được, khi nhiều trường đã rất biết cách khai thác điều “nhạy cảm” trong mối quan hệ giữa họ với cha mẹ học sinh. Vì là “nhạy cảm” nên ít phụ huynh dám nói ra, dù trong lòng không mấy thoải mái. Những cuộc vận động “tự nguyện” cứ thế âm thầm được triển khai, từ việc mua tivi, máy điều hòa, máy chiếu, máy in… đến xây nhà để xe hay hành lang, mua cây cảnh trang trí. Thậm chí, có nơi còn “xã hội hóa” cả việc mua quà, tổ chức du lịch, dã ngoại… cho giáo viên.
Tất cả đều được đổ hết cho Ban đại diện cha mẹ học sinh, nếu có chuyện.
Tình trạng này tồn tại đã lâu, ngành giáo dục bao phen kêu gọi chấn chỉnh nhưng rồi đâu lại vào đấy. Đến nỗi, người ta xem đó là điều hiển nhiên, như cách mà cô giáo xin tiền phụ huynh mua máy tính và bảo “chuyện bình thường”.
Số tiền 6 triệu đồng cô Hạnh định xin thực ra không quá to tát, nhưng đó là lạm dụng sự cả nể của người khác và không ai đồng tình với cách làm đó.
Phụ huynh đề nghị thay đổi chủ nhiệm, xin cho học sinh chuyển lớp vì không an tâm giao con mình cho một giáo viên mà họ thấy có nhiều bất ổn về tư cách, phát ngôn chứ không hẳn vì việc cô “dỗi” không soạn đề cương ôn tập.
Ở mùa khai giảng này, nhiều giáo viên ở miền núi, vùng sâu vùng xa phải lặn lội đến từng bản làng vận động phụ huynh đưa con em ra lớp. Lòng yêu nghề, mến trẻ của các thầy cô đã lay động, đánh thức niềm khao khát đổi đời cho những gia đình nghèo ở nông thôn, miền núi. Dù bữa ăn chưa đủ no, tấm áo vẫn còn chưa lành lặn, phụ huynh vẫn cố gắng lội suối, trèo đèo đưa con đến trường, mong kiếm cái chữ cho mai sau đời bớt khổ.
Vậy thì, những công nhân, người lao động nghèo phải mưu sinh vất vả ở phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM không có quyền được đối xử bình đẳng như những ông bố, bà mẹ khác ư? Nên dù cô giáo Hạnh có tự cho mình là “thẳng thắn”, có quyền “giao du với những người có học”, thì cũng không ai cho phép cô được xem cha mẹ của học sinh mình dạy là “những phụ huynh đầu đường xó chợ”.
Một giáo viên, với cách nhìn về phụ huynh là “toàn dân học thức ít, ăn đằng sóng nói đằng gió, trở mặt còn hơn bánh tráng…”, sao có đủ tư cách để nói chuyện “xã hội hóa giáo dục” ở đây?
Còn một việc nữa là tôi không biết từ nhà cô Hạnh đến trường Chương Dương bao xa, nhưng chắc thật khó để gọi là vùng sâu, vùng xa, đò giang cách trở. Thế thì sao cô lại lấy cớ đi sớm, không kịp ăn, để mang mì, xúc xích đến nấu ăn tại lớp, lại còn bán cho học sinh của mình? Trường tiểu học, chứ đâu phải lớp trẻ tư thục, nhóm trẻ gia đình mà có lối sinh hoạt, học tập như vậy.
Tôi từng là giáo viên, đạp xe đi dạy học xa nhà hơn 10km với những con đường trơn trượt, qua núi, qua sông. Nhưng không vì thế, thế hệ giáo viên như chúng tôi ngày ấy lại tự cho mình cái quyền được sống buông tuồng trước mặt học trò. Những năm cuối 1980 đầu 1990, đất nước còn nghèo, đồng lương có hạn, đời sống giáo viên còn kham khổ nhưng chúng tôi tự nhủ không được để hình ảnh người thầy bị “rẻ rúng” trong mắt học sinh. Ngoài giờ dạy học, thầy cô có thể làm thêm nhiều việc khác để kiếm sống nhưng lợi dụng đến miếng ăn, cắc bạc của phụ huynh và học sinh là điều cấm kỵ. Ngay cả khi phải ăn uống ở trường, chúng tôi cũng luôn tìm cho mình một không gian riêng.
Tôi cho rằng môi trường sư phạm ở Trường Tiểu học Chương Dương đang có vấn đề, mà người chịu trách nhiệm không ai khác chính là hiệu trưởng. Bởi như tường trình của cô thì chuyện ăn uống và bán mì, xúc xích diễn ra thường xuyên. Trong lỗi của cô giáo này không thể không có phần của lãnh đạo nhà trường.
Ở đời, làm nghề gì cũng cần lòng tự trọng. Với nghề dạy học, điều ấy càng cần hơn gấp nhiều lần. Bởi, thầy cô giáo luôn được cả xã hội kỳ vọng là “tấm gương sáng cho học sinh noi theo” kia mà!
Cô giáo xin mua laptop: Chỉ những phụ huynh có ăn học mới thích tôi
Vụ ‘dỗi’ phụ huynh không duyệt mua laptop: Lập tổ công tác làm việc với cô Hạnh
Cô giáo xin tiền mua laptop, bị tố nấu cả mì tôm, xúc xích bán cho học sinh
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vu-xin-mua-laptop-loi-cua-co-giao-khong-the-khong-co-phan-cua-lanh-dao-truong-2327946.html