Thống kê cho thấy một số quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bao gồm Mỹ, Anh và Đức, đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ ở khu vực Kursk của Nga.
Binh sĩ Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây cho các cuộc tấn công ở Kursk của Nga. (Nguồn: Aljazeera) |
Ngày 16/8, trên ứng dụng Telegram, Người phát ngôn của Điện Kremlin Maria Zakharova cáo buộc Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây chế tạo trong cuộc tấn công khu vực Kursk của Nga.
“Lần đầu tiên, khu vực Kursk bị tấn công bằng các bệ phóng tên lửa do phương Tây sản xuất, có thể là HIMARS (Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao) của Mỹ”, bà Maria Zakharova cho biết.
Cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào tỉnh biên giới Kursk của Nga bắt đầu từ ngày 6/8. Dưới đây là một số thông tin về những vũ khí nước ngoài mà Ukraine đang sử dụng trong cuộc tấn công này:
Ukraine xác nhận vào ngày 22/8 rằng, họ đã sử dụng Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp trong các cuộc tấn công vào các cây cầu bắc qua sông Seym ở tỉnh Kursk của Nga.
Các phương tiện truyền thông Anh, bao gồm Sky News và BBC, đưa tin đồn đoán vào ngày 15/8 rằng Ukraine sử dụng xe tăng Challenger 2 của Anh trên lãnh thổ Nga. Bộ Quốc phòng Anh từ chối bình luận.
Giới quan sát tin rằng vũ khí do Đức cung cấp cũng được sử dụng trong cuộc tấn công này. Đức là một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine, chỉ sau Mỹ. Quốc gia phương Tây này cung cấp xe chiến đấu bộ binh Marder, xe tăng chiến đấu Leopard, hệ thống phòng không, máy bay không người lái (UAV) và hệ thống phóng tên lửa cho Kiev.
Những quốc gia NATO cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ trên lãnh thổ Nga
Vào ngày 31/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngầm nới lỏng lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí của nước này tập kích vào các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga. Điều này được Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết tại họp báo sau cuộc họp không chính thức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Prague, CH Czech.
Về mặt chính thức, Washington chưa cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, do lo ngại điều này có thể làm leo thang xung đột.
Sự kiện đánh dấu thay đổi trong chính sách của ông Biden, người trước đó đã từ chối cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp tại Nga.
Hồi tháng Tư, ông Biden đã ký phê duyệt khoản hỗ trợ quân sự cho Ukraine trị giá gần 61 tỷ USD, trong đó khoảng 23 tỷ USD được sử dụng để bổ sung kho dự trữ quân sự và 14 tỷ USD dành cho Sáng kiến Hỗ trợ an ninh Ukraine, thông qua đó, chính phủ Mỹ sẽ mua các hệ thống vũ khí từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ cho Ukraine.
Từ Kiev, ông Alex Gatopoulos, biên tập viên về quốc phòng của Al Jazeera, đã thông tin rằng hiện có 13 quốc gia NATO hiện đã “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây như xe tăng, hệ thống pháo binh và xe chiến đấu bộ binh bên trong lãnh thổ Nga. Các quốc gia này bao gồm: Pháp, Anh, Ba Lan, Lithuania, Latvia, Estonia, Hà Lan, Thụy Điển, Czech, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy và Canada.
Giới hạn đặt ra
Ngày 16/8, một quan chức Mỹ giấu tên nói với hãng thông tấn Reuters rằng, nếu Ukraine bắt đầu nhắm vào các mục tiêu phi quân sự như các ngôi làng của Nga, điều này được coi là vượt quá giới hạn mà Washington đặt ra, nhằm tránh xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga.
Bà Samantha de Bendern, cộng tác viên của Chương trình Nga và Á-Âu tại Chatham House, đồng thời là nhà bình luận chính trị của The Guardian nhận định: “Phản ứng của phương Tây khá kín tiếng vì cho đến nay, thông điệp từ phương Tây vẫn là ngăn cản Ukraine sử dụng vũ khí của phương Tây trên lãnh thổ Nga”.
Ngày 15/8, Bộ Quốc phòng Anh xác nhận rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí do nước này cung cấp bên trong lãnh thổ Nga, tuy nhiên tên lửa tầm xa Storm Shadow bị hạn chế sử dụng.
Trong khi đó, truyền thông Đức đưa tin, Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức đã xác nhận việc Ukraine sử dụng vũ khí do nước này cung cấp, bao gồm cả xe bọc thép, bên trong lãnh thổ Nga là hợp pháp.
Phản ứng của Ukraine và Nga
Ukraine muốn dỡ bỏ lệnh hạn chế của các nhà tài trợ vũ khí như Mỹ và Anh về việc sử dụng tên lửa tầm xa.
“Người Ukraine khẩn thiết yêu cầu Mỹ, Anh và Pháp dỡ bỏ hạn chế về việc sử dụng tên lửa tầm xa”, bà Samantha de Bendern cho biết.
Tháng trước, Politico đã trích dẫn lời ông Andriy Yermak, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine, rằng Ukraine mong muốn Mỹ cho phép họ sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội tầm xa (ATACMS) để tấn công lãnh thổ Nga.
Trong một bài đăng trên X ngày 22/8, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borell đã thúc giục các nhà tài trợ vũ khí dỡ bỏ các hạn chế đối với Ukraine.
Trong khi đó, Nga đã kịch liệt chỉ trích các nước phương Tây và NATO vì họ coi việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là sự tham gia vào cuộc xung đột.
Nguồn: https://baoquocte.vn/vu-khi-nao-dang-duoc-ukraine-su-dung-trong-cuoc-tan-cong-tinh-kursk-cua-nga-284138.html