Theo RIA Novosti, một chiếc xe tăng của Nga trong quá trình tham gia tấn công trên chiến trường Ukraine đã bị trúng một quả đạn tên lửa chống tăng và sau đó vướng phải mìn. Tuy nhiên chiếc xe vẫn sống sót và khai hoả về phía đối phương.
Sĩ quan chỉ huy kíp xe cho biết: “Nhóm tấn công của chúng tôi được cử đi thực hiện nhiệm vụ ở vùng Avdeevka. Những chiếc xe tăng được tăng cường để hỗ trợ cho xe chiến đấu bộ binh. Khi tiếp cận mục tiêu, xe tăng khai hỏa chế áp hỏa lực từ công sự của đối phương và lính dù đổ bộ từ xe bọc thép xuống khu vực nhiều cây cối để chiến đấu”.
Trong quá trình chiến đấu, chiếc xe tăng đi đầu đã trở thành mục tiêu của vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới (NLAW), những người lính xác nhận đó là một vũ khí chống tăng cỡ nòng 150 mm có nguồn gốc từ Thụy Điển.
Xe tăng bị trúng tên lửa tuy bị hư hỏng nhưng vẫn tích cực di chuyển, sử dụng hỏa lực tấn công. Nhưng sau đó, chiếc xe tăng đã lao vào một bãi mìn do Lực lượng Vũ trang Ukraine bố trí. Sau khi vướng phải mìn, những người lính trên xe tăng không rời khỏi chiếc xe mà tiếp tục khai hỏa trong trạng thái đứng yên. Chỉ sau khi đội hình phía sau tiến lên, những người lính mới dừng chiến đấu và được sơ tán trên những chiếc xe bọc thép.
Có thể là xe tăng T-90M?
Theo các chuyên gia quân sự của Bulgarian Military, nếu như những tuyên bố từ phía Nga chính xác thì rất có thể đây là xe tăng T-90M Proriv. Tên lửa NLAW là vũ khí chống tăng hiện đại có thể xuyên thủng hầu hết các loại áo giáp xe tăng hiện nay. Tuy nhiên, quân đội Nga đã phát triển một loại áo giáp phản ứng nổ thế hệ mới có thể chịu được đòn tấn công trực diện của tên lửa NLAW. Loại giáp này được gọi là Relikt, mới chỉ được trang bị trên xe tăng T-90M và T-14 Armata.
Áo giáp Relikt là một loại áo giáp phản ứng nổ, có cấu tạo bao gồm các tấm kim loại và điện tích thuốc nổ để vô hiệu hóa tác động từ các loại tên lửa chống tăng. Khi một tên lửa va vào lớp giáp, các chất nổ sẽ phát nổ tạo ra sóng xung kích làm gián đoạn quỹ đạo của tên lửa và làm giảm sức xuyên phá của nó. Sau đó, các tấm kim loại sẽ hấp thụ phần năng lượng còn lại của tên lửa, ngăn không cho nó xuyên thủng lớp giáp chính của xe tăng.
Bộ giáp Relikt có hiệu quả cao trong việc chống lại tất cả các loại tên lửa chống tăng, bao gồm cả NLAW. Relikt cung cấp mức độ bảo vệ cao cho tổ lái và các bộ phận quan trọng của xe tăng, chẳng hạn như động cơ và khoang chứa đạn. Bộ giáp cũng được thiết kế theo dạng mô-đun, nghĩa là những phần bị hư hỏng có thể dễ dàng thay thế tại chiến trường.
Xe tăng T-90M và T-14 Armata hiện là những xe tăng duy nhất của Nga được lắp giáp Relikt. Những chiếc xe tăng này được đánh giá là phương tiện chiến đấu tiên tiến và được bảo vệ tốt nhất trên thế giới. Bộ giáp Relikt mang lại cho xe tăng Nga lợi thế đáng kể so với các loại xe tăng khác. Dự kiến, quân đội Nga sẽ tiếp tục phát triển và cải tiến loại áo giáp này trong tương lai.
Không có hệ thống phòng thủ xe tăng nào của Nga ngoại trừ Relikt có thể chịu được đòn tấn công trực tiếp của tên lửa NLAW, bởi đó là hệ thống tên lửa chống tăng di động hiện đại nhất hiện nay, nó có thể xuyên thủng những lớp giáp cứng nhất.
NLAW có hiệu quả cao trong việc chống lại các loại xe tăng và phương tiện bọc thép khác, tên lửa có thể gây ra thiệt hại đáng kể ngay cả khi góc chạm của tên lửa với mục tiêu không đạt tối ưu. Nhưng Nga đã có những biện pháp đối phó hiệu quả để tránh bị trúng tên lửa NLAW.
Xe tăng Nga thường sử dụng kết hợp các hệ thống phòng thủ chủ động và thụ động để chống lại các tên lửa chống tăng như NLAW. Các hệ thống phòng thủ chủ động chẳng hạn như Arena-E, được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đang lao tới trước khi chúng có thể bắn trúng xe tăng. Các hệ thống phòng thủ thụ động, chẳng hạn như áo giáp phản ứng, được thiết kế để hấp thụ tác động của tên lửa và làm giảm hiệu quả của nó.
Tuy nhiên, ngay cả khi có các hệ thống này, không có gì đảm bảo rằng một chiếc xe tăng sẽ có thể chịu được đòn tấn công trực tiếp từ tên lửa NLAW.
Vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo (NLAW)
NLAW là hệ thống tên lửa chống tăng di động được phát triển bởi Saab Bofors Dynamics để sử dụng cho các đơn vị bộ binh. Nó được thiết kế để tấn công và tiêu diệt xe tăng chiến đấu chủ lực, xe bọc thép và các mục tiêu kiên cố khác ở cự ly lên tới 600 mét.
Tên lửa được dẫn đường bằng hệ thống chỉ huy đường ngắm (SACLOS) bán tự động, cho phép người điều khiển dẫn đường tên lửa đến mục tiêu bằng cần điều khiển. NLAW được trang bị đầu đạn tích điện dạng song song, có khả năng xuyên giáp dày tới 600mm. Tên lửa có chiều dài 1,2m, trọng lượng 12,5kg, đường kính thân 150mm.
NLAW là vũ khí chống tăng hiệu quả cao có thể được sử dụng trong nhiều tình huống chiến đấu. Loại tên lửa này đặc biệt hữu ích trong môi trường đô thị, binh sĩ thường ưa sử dụng NLAW để giao tranh với các phương tiện bọc thép của đối phương trong phạm vi ngắn.
Hệ thống dẫn đường SACLOS cho phép tên lửa hoạt động trong các tình huống mà người điều khiển có tầm nhìn tốt. Đầu đạn tích điện hình song song của tên lửa có khả năng phá hủy các loại giáp hiện đại, cho phép nó xuyên thủng cả những chiếc xe tăng hạng nặng.
NLAW có tính cơ động cao, dễ dàng vận chuyển và triển khai ở mọi địa hình, một người có thể sử dụng và bắn từ nhiều vị trí khác nhau. Việc dễ sử dụng và tính cơ động của tên lửa khiến nó trở thành vũ khí lý tưởng cho các lực lượng đặc biệt.
Lê Hưng(Bulgarian Military)