Thời gian qua liên tiếp các vụ việc bạo lực học đường dẫn tới hậu quả đau lòng, điển hình như vụ việc cháu V.V.T.K., học sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội, hiện vẫn chưa thể đi học trở lại sau hai tháng phát bệnh tâm thần vì bị bạn đánh hội đồng. Vụ việc đã gây bức xúc trong dư luận trong những ngày qua.
Gửi ý kiến bình luận dưới bài viết Mẹ của học sinh lớp 7 bị bạn đánh hội đồng xác định con tâm thần vĩnh viễn, độc giả Dân trí bày tỏ sự phẫn nộ với cách ứng xử của gia đình nhóm học sinh côn đồ, đồng thời mong muốn cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm vụ việc để răn đe và trả lại sự công bằng cho cháu K..
Độc giả Hiep Nguyen xót xa: “Vừa qua đọc báo mà thấy đau lòng, nhiều vụ quá. Vụ việc xảy ra ngay trong trường học, độ tuổi các em vẫn còn nhỏ. Ngành giáo dục cần có chế tài riêng đối với những học sinh có hành vi côn đồ. Giáo dục không thể bao dung, không thể trao cơ hội mãi cho những học sinh côn đồ được. Chúng ta trao cơ hội cho người này nhưng vô tình đánh mất cuộc đời của học sinh khác”.
“Không nên hoàn toàn trách trẻ con. Sinh ra bởi các bậc sinh thành vô cảm trước hành vi sai trái của con mình, cũng sợ thiệt cho bản thân mình thì còn gì để nói nữa các bác. Cần có cơ chế mạnh hơn để răn đe, qua đó các bậc phụ huynh phải tự biết giáo dục con cái mình không được đánh bạn”, độc giả Bích Ngân.
Độc giả Lien Tuong đề xuất: “Trước mắt yêu cầu mang vụ này ra xử lý hình sự. Giám định thương tật và xử lý những đứa trẻ đã đánh bạn, đưa vào trường giáo dưỡng, cha mẹ các học sinh đã đánh bạn phải bồi thường tất cả chi phí chữa trị cho em đã bị đánh, nếu em bị tâm thần vĩnh viễn, phải chịu trách nhiệm nuôi dưỡng em đến cuối đời. Yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc trả lại công bằng cho em K.”.
Độc giả Lai Cao Hanh cùng chung quan điểm: “Nhà trường, chính quyền cần đứng ra giải quyết vụ việc này rốt ráo, trả lại công bằng cho em K. và gia đình, không thể để gia đình em tự thân như thế được. Trường hợp cần, phải hướng dẫn để ra tòa giải quyết, về lâu dài phải chữa bệnh cho em đến khi khỏi, bồi thường sức khỏe cho em vì không lao động được, công chăm sóc trông coi em suốt đời”.
Nhiều độc giả cùng chung băn khoăn: Liệu gia đình cháu K. có thể khởi kiện để đòi lại công bằng cho con mình hay không? Nếu có, các bước cần phải làm thế nào?.
Hoàn toàn có thể khởi kiện!
Giải đáp băn khoăn của độc giả, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, chưa đề cập đến nguyên nhân tại sao nhóm học sinh này lại có hành động bạo lực học đường nhưng rõ ràng hành vi này là vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy của nhà trường. Do đó, cơ quan có thẩm quyền và nhà trường cần phải kịp thời xác minh, làm rõ để có những biện pháp xử lý để đảm bảo quyền lợi cho em K. và gia đình.
Theo luật sư Tiền, hành vi bạo lực học đường là hành vi gây thương tích có chủ đích với người khác, hành vi này gây tổn thương về mặt thể chất và tinh thần của nạn nhân, từ đó, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, tính cách sau này của nạn nhân. Người thực hiện hành vi bạo lực học đường có thể bị xử lý hình sự về Tội Cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi bạo lực học đường.
Tuy nhiên, nhóm học sinh đánh hội đồng em K. đều là các em học sinh lớp 7, trong độ tuổi từ 12-13 tuổi. Căn cứ theo Điều 12 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, người phạm tội dưới 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi hành vi phạm tội do mình gây ra.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1 Điều 90, Điều 91 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi 2020, người từ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi khi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm thì có thể áp dụng biện pháp giáo dục sau: Áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nếu thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự. Áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng nếu thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự.
Do đó, để xác định hành vi của những học sinh này có bị áp dụng các biện pháp giáo dục hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả giám định tâm thần đối với em K. theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT – BYT. Kết quả này nhằm xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể do hành vi của các học sinh này có dấu hiệu của tội phạm rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng, từ đó, cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý phù hợp.
Về trách nhiệm dân sự, với hành vi cố ý đánh cháu K. thì buộc cha, mẹ của những học sinh này phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do con mình gây ra theo Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015. Căn cứ Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, theo đó, chí phí mà cha, mẹ của những học sinh này phải bồi thường bao gồm:
Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
Tuy nhiên các chi phí này cần phải có các biên lai, giấy tờ chứng minh.
Bên cạnh đó, cha mẹ của những học sinh này còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần của cháu K.. Mức bồi thường tổn thất về tinh thần có thể do hai bên gia đình thỏa thuận.
Tuy nhiên, trong trường hợp hai bên gia đình không thể thỏa thuận được thì cha, mẹ của những học sinh này phải bồi thường là 50 lần mức lương cơ sở (theo Nghị quyết 69/2022/QH15, mức lương cơ sở hiện nay được quy định là 1,8 triệu đồng/tháng).
Trường hợp gia đình cháu K. không nhận được các khoản bồi thường chính đáng theo luật định, có thể khởi kiện tới Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu các gia đình của các học sinh có hành vi bạo lực học đường thực hiện thanh toán các khoản chi phí bồi thường do thiệt hại về sức khỏe cho cháu K. theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, gia đình cháu K. cần phải cung cấp các giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc giám định thương tích, giấy khám sức khỏe… của cháu K. kèm theo đơn khởi kiện gửi đến Tòa để làm căn cứ.