Vì sao ca sỹ Khánh Phương chỉ bị phong tỏa tài sản ở tỉnh Lâm Đồng?
Ngày 3/10, Sở Tư pháp Lâm Đồng đề nghị các tổ chức công chứng dừng thực hiện giao dịch tài sản của ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương), doanh nghiệp do anh đại diện – Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư Nhật Nam Khang (Công ty Nhật Nam Khang) và 11 cá nhân khác.
Việc rà soát thông tin, tài liệu và dừng các giao dịch nhằm xác minh vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại CTCP Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam).
Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng văn phòng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Cụ thể: “Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan nhà nước phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm”.
Do đó, luật sư Tiền cho rằng việc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng gửi văn bản đề nghị tạm dừng thực hiện các giao dịch tài sản của ông Khánh Phương là phù hợp.
“Mặt khác, vì là văn bản của Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng nên chỉ những tài sản của ông Khánh Phương tại tỉnh này bị tạm dừng giao dịch tài sản theo văn bản chỉ đạo.
Đối với tài sản của ông Phương trên địa bàn tỉnh/thành phố khác, phụ thuộc vào các văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương đó để xem xét trường hợp bị tạm dừng giao dịch hay không”, luật sư Tiền phân tích.
Trước đó, ca sĩ Khánh Phương cũng khẳng định bản thân không liên quan gì đến công việc của Công ty Nhật Nam.
“Trong quá trình điều tra, các cơ quan chức năng có thể đưa ra vài quyết định để ngăn chặn rủi ro phát sinh từ người liên quan. Đây chỉ là ở tỉnh Lâm Đồng thôi, các tỉnh khác bình thường”, giọng ca “Chiếc khăn gió ấm” khẳng định.
Những tài sản khác của Khánh Phương ra sao?
Liên quan đến việc vợ là bà Vũ Thị Thuý – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Nhật Nam bị tạm giam để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Khánh Phương cũng khẳng định: “Nếu trong vụ việc này, cá nhân nào phát hiện tôi sai phạm thì cứ tố cáo, chắc chắn các cơ quan chức năng, pháp luật sẽ đứng ra điều tra làm rõ và có hình thức xử lý”.
Xuất phát từ câu chuyện bà Thúy bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Phương bị đình chỉ tài sản, dư luận đặc biệt quan tâm tình huống pháp lý: Những tài sản khác (nếu có) của ca sỹ Khánh Phương có còn tiếp tục bị phong toả để phục vụ điều tra, khắc phục hậu quả? Khi người vợ hoặc chồng vướng vòng lao lý, trong trường hợp nào thì người còn lại chịu trách nhiệm liên đới?
Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, về nguyên tắc, người nào có hành vi phạm tội thì phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi phạm tội của mình. Trong những vụ việc mà vợ/chồng đang bị điều tra, truy tố, xét xử về các tội liên quan đến tài sản, việc xác định tài sản riêng của người này là rất quan trọng.
Căn cứ theo khoản 4 Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng thì vợ, chồng phải thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Theo đó, người chồng/vợ không có hành vi vi phạm pháp luật sẽ không phải chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp chỉ vợ/chồng bị tạm giữ, bắt giam nhưng cơ quan chức năng vẫn có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản của người còn lại, nhằm mục đích ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, cũng như đảm bảo cho quá trình thi hành án sau này.
“Căn cứ theo khoản 2 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014, quy định: “Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng“.
Do vậy, khi vợ/chồng bị tạm giữ, khởi tố mà cơ quan điều tra chưa phân tách được tài sản chung của họ thì việc áp dụng các biện pháp như phong tỏa tài sản của vợ và chồng hay tạm dừng thực hiện giao dịch tài sản… là cần thiết.
Nếu đã phân tách được phần tài sản của người vợ/chồng đang bị tạm giữ trong khối tài sản chung của vợ chồng và người chồng/vợ không liên quan trong vụ án này thì cơ quan có thẩm quyền trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó vì đã không còn căn cứ để áp dụng các biện pháp trên”, luật sư Tiền nói thêm.
Ngày 8/9, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam bà Vũ Thị Thuý – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Nhật Nam để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bà Thúy là vợ của ca sĩ Khánh Phương.
Theo điều tra bước đầu, giai đoạn 2020 – 2022, Công ty Nhật Nam đã huy động gần 9.000 tỷ đồng của hơn 20.000 cá nhân thông qua 45.525 hợp đồng hợp tác kinh doanh. Công ty đã chi gần 2.300 tỷ đồng để trả tiền hoa hồng cho nhân viên môi giới. Cá nhân bà Thúy sử dụng 635 tỷ đồng.
Bà Thúy khai báo Công ty Nhật Nam chưa có lợi nhuận và công ty không có bất cứ dự án, bất động sản nào tại tỉnh Hoà Bình và tỉnh Bình Thuận như quảng cáo.