Bên cạnh việc tăng khoản cho vay để nhà đầu tư mua cổ phiếu trên sàn, dòng tiền huy động của VNDirect có dấu hiệu đổ mạnh vào thị trường trái phiếu.
Cổ đông liên tục phải nộp tiền
Đạt đỉnh ngắn hạn ngày 20/9/2023 với giá 25.250 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VND của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect sau đó liên tục đi lùi, đặc biệt là sau sự cố lỗi hệ thống khiến nhà đầu tư không thể giao dịch trên toàn bộ hệ thống cuối tháng 3/2024 (kéo dài hơn 1 tuần), dẫn tới giá lao dốc, chạm đáy ngắn hạn ngày 19/4 là 18.900 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 25,1% so với đỉnh ngày 20/9/2023.
Tuy nhiên, gần đây, cổ phiếu VND có nhịp hồi phục lên 21.900 đồng/cổ phiếu ngày 17/5 (giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/5 là 21.300 đồng/cổ phiếu), hút dòng tiền trở lại khi Công ty ra thông báo về việc được chấp thuận chào bán cổ phiếu, tăng vốn điều lệ.
Theo kế hoạch tăng vốn vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt, VNDirect dự kiến chào bán gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 5 cổ phiếu sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới, giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Với phương án này, Công ty ước tính thu về gần 2.440 tỷ đồng, dùng để mở rộng năng lực cho vay ký quỹ, năng lực kinh doanh nguồn trên thị trường vốn, năng lực bảo lãnh phát hành trái phiếu…
Ngoài ra, VNDirect còn được phê duyệt trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%, tương ứng phát hành thêm gần 61 triệu cổ phiếu. Như vậy, nếu hoàn thành hai đợt phát hành, vốn điều lệ của Công ty được nâng từ 12.178 tỷ đồng lên gần 15.223 tỷ đồng.
VNDirect là một trong số ít công ty chứng khoán liên tục chào bán cổ phiếu huy động vốn của cổ đông trong những năm qua. Chỉ tính từ năm 2018 đến ngày 31/3/2024, vốn điều lệ của VNDirect đã tăng 6,86 lần, từ 1.549,98 tỷ đồng, lên 12.178,4 tỷ đồng, trở thành một trong số công ty chứng khoán niêm yết có tốc độ tăng vốn điều lệ nhanh nhất sàn.
Đổ vốn vào tài sản tài chính
Thực tế, từ năm 2018 tới năm 2022, sau các đợt tăng vốn, cùng với việc huy động thêm nợ vay, VNDirect tập trung phân bổ nguồn vốn huy động vào các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), các khoản cho vay. Trong đó, khoản mục FVTPL và các khoản cho vay có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Ở thời điểm ngày 31/3/2024, 3 khoản mục trên ghi nhận 34.202,6 tỷ đồng, chiếm 82,7% tổng tài sản của VNDirect. Trong đó, tài sản FVTPL ghi nhận 16.445,1 tỷ đồng, tài sản HTM 7.799,9 tỷ đồng và các khoản cho vay 9.957,6 tỷ đồng.
Thêm nữa, xét về phân bổ danh mục tài sản, bên cạnh việc tăng khoản cho vay để nhà đầu tư mua cổ phiếu trên sàn, dòng tiền huy động của VNDirect có dấu hiệu đổ mạnh vào thị trường trái phiếu. Nếu cuối năm 2019, danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chỉ ghi nhận 105,45 tỷ đồng, nhưng tới ngày 31/3/2024, giá trị đầu tư trái phiếu chưa niêm yết lên tới 8.698,1 tỷ đồng, tăng 81,5 lần. Trong đó, VNDirect không thuyết minh chi tiết các trái phiếu đang nắm giữ.
Tuy nhiên, trước diễn biến thị trường trái phiếu gần đây, trong lần lên tiếng gần nhất tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, lý giải về việc đầu tư trái phiếu Trung Nam, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch VNDirect cho biết, Công ty lựa chọn Trung Nam vì đây là doanh nghiệp đại diện trong ngành năng lượng, có năng lực thực thi phát triển dự án và khả năng tìm kiếm dự án đầu tư. Mặc dù giao dịch với Trung Nam đã được nghiên cứu rất kỹ, song doanh nghiệp cũng gặp phải khó khăn như hầu hết các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong thời điểm trước đó.
“Nhiều nhà đầu tư đều có băn khoăn rằng, cổ phiếu VND gắn liền với câu chuyện của Trung Nam và điều này là đúng. Tuy nhiên, VNDirect đánh giá Trung Nam chỉ gặp phải rủi ro thanh khoản tạm thời, chứ không phải rủi ro mô hình kinh tế. Tất nhiên, cũng có một vài rủi ro liên quan đến chính sách, nhưng đã được VNDirect đánh giá trước khi quyết định tham gia bảo lãnh phát hành. Rủi ro duy nhất mà VNDirect không lường trước được là việc bán lại của nhà đầu tư, khiến Công ty phải mua lại lượng lớn trái phiếu để bảo vệ nhà đầu tư và thị trường”, bà Hương nhấn mạnh.
Danh mục tự doanh tăng hơn 10 lần
Quay trở lại với việc tăng vốn nóng, việc liên tục hút tiền từ nhà đầu tư đã giúp quy mô tài sản của VNDirect tăng mạnh từ năm 2018 tới nay. Tuy nhiên, cùng với sự lớn mạnh về quy mô tài sản, Công ty đang mở rộng danh mục đầu tư cổ phiếu, trái phiếu… quá nhanh, đỉnh điểm là sự mở rộng danh mục trái phiếu liên quan tới các doanh nghiệp có dấu hiệu gặp khó dòng tiền trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo.
Trong đó, tính từ năm 2018 đến ngày 31/3/2024, tổng giá trị đầu tư tự doanh tăng 10,1 lần, tương ứng tăng thêm 14.968,8 tỷ đồng, lên 16.445,1 tỷ đồng và chiếm 39,8% tổng tài sản (đầu kỳ chỉ chiếm 14%).
Bên cạnh đó, sự cố sập hệ thống cuối tháng 3/2024 đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới việc hệ thống không được đầu tư, bảo mật tương xứng với quy mô tăng trưởng của Công ty.
Được biết, trong năm 2024, VNDirect đặt kế hoạch tập trung 2 mảng lĩnh vực, bao gồm dịch vụ thị trường vốn và quản lý tài sản đầu tư; dịch vụ giao dịch chứng khoán.
Có thể thấy, cùng với việc tăng vay nợ, tăng huy động vốn của cổ đông để mở rộng quy mô nguồn vốn, VNDirect đang đẩy mạnh danh mục đầu tư tự doanh vào cổ phiếu, trái phiếu, đồng thời còn tăng dư nợ cho nhà đầu tư cá nhân vay vốn.
Nguồn: https://baodautu.vn/vndirect-do-von-vao-trai-phieu-d215896.html