VN-Index xuất hiện đà phục hồi; Lịch trả cổ tức; FPT liên tiếp phá vỡ lịch sử; Techcombank hưởng lợi từ show “Anh trai vượt ngàn chông gai”.
VN-Index duy trì ngưỡng 1.250 điểm sau khi mất 14 điểm
Mở màn đầu tuần, VN-Index duy trì đà tăng nhẹ tại vùng 1.250 điểm sau khi phục hồi mạnh mẽ vào tuần cuối tháng 11, tăng hơn 22 điểm.
Song, thanh khoản vẫn giảm, giá trị giao dịch bình quân trên HOSE trong tháng 11, đạt hơn 10.000 tỷ đồng/phiên, mức thấp nhất từ tháng 5/2023. Tổng giá trị bình quân 3 sàn đạt hơn 13.600 tỷ đồng/phiên, giảm 16,1% so với tuần trước đó và 19.7% so với trung bình 5 tuần đổ lại đây.
Dòng tiền tập trung tại nhóm vốn hóa lớn nhưng tỷ trọng ở các nhóm midcap (vốn hoá vừa) tăng đáng kể, đạt 36,7%. Nhóm ngành chủ chốt là ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, dệt may, hóa chất và hàng không, ghi nhận sự gia tăng dòng tiền.
Lực bán ròng cao, nhà đầu tư cá nhân đạt 2.163 tỷ đồng qua khớp lệnh, tập trung tại các mã công nghệ và ngân hàng, ngược lại, nhóm hóa chất được mua ròng.
Khối ngoại có động thái mua ròng trở lại trong tuần qua, đạt 1.112 tỷ đồng, giúp lực mua ròng cả tháng 11 tại nhóm đầu tư này đạt 1.214 tỷ đồng, tập trung tại nhóm công nghệ thông tin, thực phẩm và đồ uống. Ngược lại, lực bán ròng tập trung tại nhóm ngân hàng.
Tính tổng tháng 11, khối ngoại đã rút ròng 12.000 tỷ đồng, trong đó 9.450 tỷ đồng qua khớp lệnh. Tổng từ đầu năm tới nay, giá trị bán ròng đã vượt 90.000 tỷ đồng.
Như vậy, trong 1 tháng giao dịch, VN-Index đã mất tới 14 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam dù đang có tín hiệu phục hồi về điểm số nhưng vẫn chịu áp lực lớn từ thanh khoản thấp kỷ lục, sự phân hóa dòng tiền, tâm lý thận trọng của giới đầu tư là yếu tố được các chuyên gia nhấn mạnh cần theo dõi trong tuần này.
Cổ phiếu FPT vượt đỉnh 36 lần từ đầu năm tới nay
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 11, cổ phiếu FPT của CTCP FPT tăng 3,52% lên mức 144.300 đồng/cp.
Đáng nói, từ đầu năm 2024 đến nay, mã này đã có tổng cộng 36 lần vượt đỉnh. Đây là 1 kỷ lục hiếm có trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sau 11 tháng, FPT đã tăng hơn 70%, vượt trội so với VN-Index. Tạm tính tại mức thị giá hiện nay, vốn hóa thị trường của FPT vào khoảng 210.000 tỷ đồng (khoảng 8,4 tỷ USD).
Tuy nhiên, Chứng khoán SSI vẫn duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu FPT tại báo cáo mới nhất, với giá mục tiêu 186.300 đồng/cp, cao hơn gần 30% so với giá đóng cửa phiên 29/11 theo luận điểm đầu tư:
– Lũy kế 10 tháng 2024, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT duy trì mức tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kỳ cho mỗi chỉ tiêu, ước tính lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ năm 2025 lên 6%, đến từ triển vọng dự án vừa được ra mắt vào tháng 11 – FPT AI Factory, dự kiến sẽ ghi nhận doanh thu từ 2025.
– FPT sẽ tiếp tục gia tăng thị phần tại thị trường nước ngoài, thúc đẩy sự mở rộng liên tục của mảng CNTT và duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn.
Techcombank được kỳ vọng hưởng lợi từ “Anh trai vượt ngàn chông gai”
Tại nhận định mới từ Chứng khoán KB (KBSV) về cổ phiếu TCB (Techcombank, HOSE), việc tham gia và trở thành nhà tài trợ kim cương, đồng tổ chức concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” giúp nhà băng này định vị thương hiệu tốt hơn.
Theo đó, Techcombank đã triển khai chương tình tặng vé cho khách hàng hiện hữu/mới mở tài khoản, đi kèm điều kiện sử dụng tính năng sinh lời tự động.
Trên thực tế, sau concert đầu tiên, Techcombank ghi nhận 4.500 tấm vé tìm được chủ nhân, hơn 120.000 khách hàng bật tính năng Sinh lời tự động trên ứng dụng Techcombank Mobile.
Do vậy, KBSV cho rằng, điều này giúp gia tăng lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn với chi phí thấp từ 0,2-0,5%, đồng thời, tăng trưởng lượng khách hàng tiềm năng cho ngân hàng trong tương lai.
Song song với đó, nhóm phân tích cũng lưu ý, việc ngân hàng tham gia tài trợ cũng sẽ làm tăng chi phí hoạt động trong kỳ.
Đưa ra dự báo sắp tới, KBSV có góc nhìn tích cực về tăng trưởng tín dụng tại nhà băng khi cho rằng Techcombank sẽ duy trì mức tăng trưởng tín dụng 21% cho năm 2024 và 16-18% cho giai đoạn 2025-2027.
Nhận định này dựa trên cơ sở thị trường bất động sản hồi phục tốt hơn sẽ thúc đẩy hoạt động cho vay mua nhà. trong khi đó, Techcombank đã lấy giải ngân cho vay mua nhà là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng tín dụng nhóm khách hàng cá nhân.
Về kết quả kinh doanh, tại báo cáo tài chính quý 3/2024, Techcombank báo lãi trước thuế 22.800 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhận định và khuyến nghị
Ông Đỗ Thanh Sơn, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset cho biết một số thông tin vĩ mô sẽ có tác động tới thị trường chứng khoán. Cụ thể, tại thị trường trong nước, Quốc hội đã có những trao đổi trong các buổi họp về nhiều nhóm ngành và cổ phiếu, cùng với công tác nhân sự thời gian qua, đưa những kế hoạch tháo gỡ trong thời gian tới.
Theo đó, đối với luật Chứng Khoán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan, tiếp thu, chỉnh lý quy định về 02 nội dung tại dự thảo Luật: (1) Báo cáo về vốn điều lệ và (2) việc ngân hàng thương mại tham gia làm thành viên bù trừ, thanh toán giao dịch cho các chứng khoán giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
Còn ở thị trường thế giới, Chủ tịch Fed Powell cho biết họ không “vội vàng” cắt giảm lãi suất vào 2 tuần trước và giờ đây lạm phát lại tăng trở lại. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của Trung Quốc hiện đang cải thiện rất nhiều so với mức thu hẹp một cách nguy hiểm ở năm 2023. Thị trường chứng khoán Việt Nam thường chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ thị trường Trung Quốc, do vậy, điều này có thể là một tín hiệu tích cực.
Dựa vào tình hình trên, ông đưa ra nhận định, thị trường trong những phiên sắp tới có thể sẽ có những nhịp kiểm định cung – cầu trước ngưỡng 1.250 điểm, sau đó, thị trường dao động quanh vùng này.
Nhóm đang định giá rẻ chủ yếu là ngân hàng và bất động sản do các rủi ro liên quan đến sự hồi phục của nền kinh tế nội địa và tháo gỡ pháp lý đang chậm hơn mong đợi của thị trường.
Tuy nhiên, định giá 2 nhóm ngành này đang ở gần sát đáy lịch sử. Do đó, với triển vọng phục hồi kinh tế nội địa và cải cách thể chế, có thể đánh giá 2 nhóm nành này đang ở mức rủi ro trung bình – lợi nhuận kỳ vọng cao. Hay nói một cách khác, 2 nhóm này đã tương đối đủ rẻ cho các vị thế trung hạn.
Giai đoạn này, nhà đầu tư (NĐT) nên hạn chế để ý vào chỉ số, thay vào đó, tập trung vào cổ phiếu trong danh mục và những nhóm ngành có câu chuyện vẫn đang cho hiệu suất tốt hơn so với thị trường chung.
Một số cổ phiếu NĐT có thể chú ý: MBB (MBBank, HOSE), CTG (VietinBank, HOSE), PDR (Bất động sản Phát Đạt, HOSE), DXG (Bất động sản Đất Xanh, HOSE), AGG (Bất động sản An Gia, HOSE).
Chứng khoán BSC chia sẻ góc nhìn tích cực với kỳ vọng chỉ số VN-Index trở về ngưỡng 1.265 điểm. Theo đó, BSC đánh giá, thị trường tuần qua đã nghiêng về phía tích cực khi 16/18 ngành tăng, trong đó, nhóm Bảo hiểm dẫn đầu, theo sau là Công nghệ thông tin. Hơn nữa, khối ngoại đã mua ròng trở lại ở cả 2 sàn: HOSE và HNX; dòng tiền tuy còn yếu nhưng tâm lý thị trường đã khá ủng hộ cho đà phục hồi của VN-Index. NĐT cần chú ý ngưỡng kháng cự sẽ là 1.250 điểm khi diễn biến “rung lắc” có thể xuất hiện trong 1-2 phiên tới.
Chứng khoán SSI đánh giá, VN-Index đã qua ngưỡng 1.246 điểm và đóng cửa tại 1.250 điểm, song, các chỉ báo kỹ thuật vẫn chưa có sự đồng thuận rõ rệt, chỉ số tuần tới sẽ hướng đến vùng 1.262 điểm nếu kịch bản thử thách thành công tại 1.250 – 1.253 điểm, áp lực điều chỉnh sẽ kích hoạt nếu đánh mất ngưỡng 1.246 điểm.
Chứng khoán TPS cho rằng, thanh khoản duy trì ở ngưỡng thấp, đà tăng thị trường phần lớn tập trung vào phiên chiều, do vậy, chỉ khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn xuất hiện, thị trường mới có thể mở ra kịch bản ‘sáng hơn’. Hiện, NĐT nên quan sát và có thể mua mạnh hơn khi thanh khoản quay trở lại, nhưng cần thêm thời gian để xác định xu hướng thị trường.
Lịch trả cổ tức tuần này
Theo thống kê, có 15 doanh nghiệp chốt quyền cổ tức từ 2-6/12, trong đó, 11 doanh nghiệp trả bằng tiền mặt và 4 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu.
Tỷ lệ cao nhất là 20%, thấp nhất là 3,6%.
4 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu:
CTCP Big Invest Group (BIG, UPCoM), ngày giao dịch không hưởng quyền là 3/12, tỷ lệ là 19%.
CTCP Vạn Đạt Group (VDG, UPCoM), ngày giao dịch không hưởng quyền là 3/12, tỷ lệ là 10%.
CTCP Tập đoàn Bệnh viện TNH (TNH, HOSE), ngày giao dịch không hưởng quyền là 5/12, tỷ lệ là 15%.
CTCP City Auto (CTF, HOSE), ngày giao dịch không hưởng quyền là 6/12, tỷ lệ là 7%.
Lịch trả cổ tức bằng tiền
*Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.
Mã | Sàn | Ngày GDKHQ | Ngày TH | Tỷ lệ |
---|---|---|---|---|
FPT | HOSE | 2/12 | 13/12 | 10% |
BSH | UPCOM | 2/12 | 23/12 | 10% |
CMW | UPCOM | 3/12 | 25/12 | 5,1% |
TV4 | HNX | 3/12 | 27/12 | 10% |
INC | HNX | 3/12 | 16/12 | 8% |
ADP | HOSE | 4/12 | 24/12 | 7% |
GDW | HNX | 4/12 | 20/12 | 3,6% |
VHC | HOSE | 5/12 | 18/12 | 20% |
TV2 | HOSE | 5/12 | 12/12 | 10% |
VGG | UPCOM | 5/12 | 24/12 | 15% |
SPM | HOSE | 6/12 | 18/12 | 5% |
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/chung-khoan-tuan-2-6-12-vn-index-giao-dich-quanh-vung-1250-diem-20241116085223631.htm