Doanh thu tháng 5 tiếp tục giảm 37%, tiếp nối 5 tháng liền tăng trưởng âm trong năm 2023
CTCP Vĩnh Hoàn (mã: VHC) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh kém hiệu quả do nhu cầu xuất khẩu tại một số thị trường trọng điểm giảm sút. Ngay trong tháng 5 vừa qua, Vĩnh Hoàn chỉ ghi nhận doanh thu ở mức 954 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu xuất khẩu tại nhiều thị trường lao dốc bao gồm: Thị trường Mỹ giảm 54%, về mức 373 tỷ đồng; thị trường Trung Quốc giảm 30% về mức 93 tỷ đồng; thị trường châu Âu giảm 27% về mức 142 tỷ đồng; tại thị trường Việt Nam, doanh thu cũng giảm 12%, chỉ đạt 224 tỷ đồng.
Trong tháng 4 trước đó, doanh thu của Vĩnh Hoàn cũng từng giảm 47%, về mức chỉ còn 869 tỷ đồng cho thấy rằng tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu không chỉ là xu hướng tạm thời mà đang là vấn đề mà công ty cần quan tâm ngay trong giai đoạn này.
Lợi nhuận Quý 1 sụt giảm 60%, chi phí lãi vay tăng gấp đôi chỉ trong 3 tháng đầu năm
Theo BCTC Quý 1 năm 2023, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần ở mức 2.222 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu sụt giảm, chi phí bán hàng cũng được tiết chế từ 84 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 50 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bù lại thì chi phí quản lý doanh nghiệp lại gia tăng 17,5% lên mức 69 tỷ đồng. Chi phí tài chính với phần lớn là chi phí lãi vay tăng rất mạnh, từ 42 tỷ đồng lên tới hơn 90 tỷ đồng cho thấy công ty đang phải tăng cường vay nợ trong cơ cấu nguồn vốn.
Áp lực gia tăng của chi phí lãi vay đã ảnh hưởng không nhỏ khiến cho lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ được ghi nhận ở mức 226 tỷ đồng, giảm tới hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư chứng khoán thua lỗ 47%, 3 lãnh đạo công ty liên tiếp từ nhiệm chỉ trong 3 ngày
Tình hình kinh doanh của Vĩnh Hoàn còn được phản ánh một phần thông qua cơ cấu tài sản của công ty. Tại thời điểm kết thúc Quý 1 năm 2023, tổng tài sản của Vĩnh Hoàn không có quá nhiều biến động, vẫn ở mức 11.665 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 7.714 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 848 tỷ đồng.
Đáng chú ý đó là trong tài sản ngắn hạn, chỉ tiêu về đầu tư tài chính ngắn hạn của Vĩnh Hoàn giảm tương đối sâu, từ 1.768 tỷ đồng đầu kỳ xuống chỉ còn 1.270 tỷ đồng. Trong đó, công ty đã chi ra tới 179 tỷ đồng để đầu tư chứng khoán. Và cần phải lưu ý rằng khoản đầu tư này tính đến ngày 31/3/2023 chỉ còn ghi nhận giá trị là 95 tỷ đồng. Như vậy, tại thời điểm cuối tháng 3, khoản đầu tư chứng khoán của Vĩnh Hoàn tạm lỗ 47%.
Cũng trong 3 tháng đầu năm này, chỉ tiêu về nợ vay ngắn hạn của công ty gia tăng từ 2.214 tỷ đồng lên 2.658 tỷ đồng, tương đương tăng tới 444 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng. Khoản nợ đáng kể nhất trị giá 1.157 tỷ đồng tại Ngân hàng HSBC Việt Nam. Ngoài ra Vĩnh Hoàn cũng đang nợ Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam và Ngân hàng TNHH MTV ANZ Việt Nam với hai khoản nợ trị giá 655 tỷ và 579 tỷ đồng.
Ngay sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh Quý 1 không mấy hiệu quả, Vĩnh Hoàn còn liên tiếp nhận được đơn từ nhiệm của 3 lãnh đạo cấp cao chỉ trong 3 ngày. Vụ việc từng khiến cổ đông công ty xôn xao trong một khoảng thời gian.
Cụ thể thì trong ngày 12/4/2023, ông Nguyễn Văn Khánh, thành viên HĐQT độc lập của Vĩnh Hoàn đã nộp đơn từ nhiệm với lý do không thể sắp xếp được thời gian cho công việc. Ông Khánh lúc đó cũng đang là Phó giám đốc phụ trách điều hành chi nhánh TP Hồ Chí Minh của CTCP Chứng khoán Bảo Việt.
Trong ngày hôm sau, 13/4/2023, bà Phan Thị Kim Hoà, thành viên Ban kiểm soát cũng nộp đơn xin từ nhiệm. Bước sang ngày 14/4/2023, ông Lê Văn Nhạt, thành viên HĐQT độc lập cũng nộp đơn xin từ nhiệm do không sắp xếp được thời gian cho công việc.