Tại Kỳ họp lần thứ 45, UNESCO đã gõ búa thông qua hồ sơ đề cử, công nhận quần thể Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản thiên nhiên thế giới.
Thời khắc Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới Kỳ họp lần thứ 45 (TS. Abdulelad Al Tokhais – Saudi Arabia) gõ búa thông qua hồ sơ Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà vào lúc 17h39 ngày 16/9/2023 (giờ địa phương). |
Lúc 17h39′ giờ địa phương (tức 21h39′ giờ Việt Nam), ngày 16/9/2023, tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà đã chính thức được ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới.
Đây cũng là di sản thế giới đầu tiên tại Việt Nam trải rộng trên địa bàn của hai địa phương (Quảng Ninh và Hải Phòng). Sau 8 năm, nước ta mới có danh hiệu di sản mới kể từ lần vinh danh của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng năm 2015.
Việc ghi danh di sản này là kết quả của việc bám sát, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, nhất là nỗ lực và quyết tâm của chính quyền, người dân thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.
Quá trình xây dựng và vận động hồ sơ kéo dài gần 10 năm với không ít khó khăn, thách thức, trong đó có việc khuyến nghị “trả lại hồ sơ” ngay trước Kỳ họp.
UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long – Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. |
Tuy nhiên, xuất phát từ mong muốn bảo vệ và phát huy tốt hơn Di sản thiên nhiên thế giới hiện có là Vịnh Hạ Long, Đoàn Việt Nam tại Kỳ họp đã tiến hành hơn 30 cuộc làm việc, tiếp xúc với 21 Trưởng đoàn các quốc gia thành viên Ủy ban Di sản thế giới, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) để cập nhật, giải thích thông tin, làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có thư gửi Tổng giám đốc UNESCO và Lãnh đạo 21 nước thành viên Ủy ban Di sản thế giới đề nghị ủng hộ hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong công tác quản lý, bảo vệ di sản, được các thành viên rất đánh giá cao.
Trên cơ sở đó, Kỳ họp đã đạt được sự nhất trí tuyệt đối, 21/21 thành viên đều ủng hộ Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà xứng đáng để ghi danh với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, có giá trị nổi bật toàn cầu, điểm cuối trong quá trình tiến hóa karst, đại diện cho 7 hệ sinh thái liền kề, môi trường sống của nhiều loại động vật quý hiếm.
Với việc ủng hộ của hầu hết các quốc gia thành viên Ủy ban Di sản thế giới, Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được ghi danh sẽ là tiền đề quan trọng, đóng góp kinh nghiệm, thực tiễn, hướng tới xây dựng mô hình quản lý di sản liên tỉnh, liên biên giới.
Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp. |
Hiện, Việt Nam đang tích cực hợp tác với Lào hoàn thiện hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới Hin Nam No mở rộng từ Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Điều này thể hiện cam kết, trách nhiệm của Việt Nam trong bảo vệ các di sản thế giới không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á, gìn giữ cho hiện tại và trao truyền cho các thế hệ mai sau.
Chia sẻ với báo chí, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nhấn mạnh, việc ghi danh không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng, người dân Hải Phòng và Quảng Ninh, mà đây còn là niềm vui chung của nhân dân Việt Nam.
Danh hiệu này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với vẻ đẹp của di sản và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ di sản. Đồng thời, đây cũng là một đóng góp nữa của Việt Nam cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy.
Niềm vinh dự, tự hào luôn đi cùng với trách nhiệm, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương cần nâng cao nhận thức, triển khai đồng bộ các biện pháp thiết thực và hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị của di sản theo đúng tinh thần Công ước 1972 gắn với phát triển bền vững.
Các di sản thế giới được UNESCO ghi danh tại Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, bền vững đồng thời qua đó quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới và làm giàu thêm kho tàng văn hóa nhân loại.
Trên tinh thần đó, Việt Nam đang ứng cử là thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 để có cơ hội đóng góp tích cực hơn nữa cho việc thực thi Công ước năm 1972 về bảo vệ các di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới.
Thành viên Đoàn Việt Nam sau khi UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long – Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. |
Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp đông đảo với sự hiện diện của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân; Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá Lê Thị Thu Hiền; đại diện Ban Thư ký UBQG UNESCO Việt Nam/ Bộ Ngoại giao và lãnh đạo các địa phương gồm: Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh; Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam và lãnh đạo Sở các địa phương cùng Ban Quản lý các di sản thế giới tại Việt Nam. Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban Di sản thế giới là kỳ họp trực tiếp đầu tiên sau đại dịch Covid-19 và bị hoãn từ năm 2022 với nhiều chương trình nghị sự quan trọng. Kỳ họp đánh giá tình hình bảo tồn và phát huy giá trị 260 di sản thế giới, trong đó có 3 di sản của Việt Nam là Vịnh Hạ Long (trước khi mở rộng sang Cát Bà), Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Quần thể Danh thắng Tràng An; xem xét 53 hồ sơ đề cử di sản thế giới mới/điều chỉnh ranh giới; sửa đổi hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới; các nội dung về tài chính, quỹ bảo tồn di sản… Công ước Di sản thế giới ra đời năm 1972, là Công ước quan trọng có sự tham gia đông đảo của 195 quốc gia, với mục tiêu bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hoá và thiên nhiên cho hiện tại và tương lai, là cơ sở pháp lý, công cụ giúp các quốc gia thành viên bảo tồn các di sản văn hoá, thiên nhiên, phục vụ phát triển bền vững. Sau 36 năm là thành viên Công ước, Việt Nam đã có 8 di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới được ghi danh. Ủy ban Di sản thế giới gồm 21 thành viên là cơ chế chịu trách nhiệm quản lý việc thực hiện Công ước Di sản Thế giới và hỗ trợ các quốc gia thành viên Công ước trong việc bảo tồn các di sản thế giới. Ủy ban Di sản thế giới được đánh giá là một trong những cơ chế quan trọng nhất của UNESCO, khuyến nghị định hướng, chính sách, biện pháp quản lý, bảo tồn các di sản thế giới, xem xét ghi danh các di sản thế giới mới, các di sản thế giới đang bị đe doạ cần hỗ trợ bảo tồn khẩn cấp cho các quốc gia thành viên. |