(NLĐO) – Giải thưởng Chính VinFuture 2024 vinh danh doanh nhân Jensen Huang, nhà sáng lập – CEO Tập đoàn NVIDIA (Mỹ), một nhân vật không thuộc giới học thuật
Giải thưởng Chính VinFuture 2024 trị giá 3 triệu USD tối 6-12 đã xướng tên 5 cá nhân, gồm GS Yoshua Bengio (ĐH Montreal, Canada), GS Geoffrey E. Hinton (Viện Vector, Canada), ông Jensen Huang (Tập đoàn NVIDIA, Mỹ), GS Yann LeCun (ĐH New York, Mỹ), và GS Fei-Fei Li (ĐH Stanford, Mỹ) vì những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu.
Đây cũng là lần hiếm hoi một đại diện đến từ ngành công nghiệp được vinh danh tại một giải thưởng quốc tế về khoa học công nghệ – vốn được xem là sân khấu đỉnh cao của giới nghiên cứu.
Lý giải quyết định trao giải cho một doanh nhân, GS Kostya S. Novoselov, ĐH Manchester (Anh), người đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture suốt 4 năm qua, thừa nhận để đi đến quyết định công trình thắng giải là một quá trình khó khăn. Hội đồng khoa học của VinFuture đã có được sự thống nhất cao để đưa ra quyết định đúng đắn tôn vinh công nghệ đã làm thay đổi thế giới thời gian qua.
“Nếu không sở hữu sức mạnh tổng hòa của điện toán, của GPU và TPU hiện đại, cơ sở dữ liệu và thuật toán cụ thể thì không thể đạt được thành tựu như vậy”- chủ nhân Giải thưởng Nobel Vật lý năm 2010 lý giải việc dành “phiếu thuận” cho doanh nhân Jensen Huang.
TS Xuedong David Huang, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Zoom (Mỹ), Viện sĩ Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Mỹ, Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, khẳng định học sâu là một bước tiến của nhân loại, đạt được nhờ ba yếu tố. Đầu tiên là thuật toán học sâu. Đây là bài toán mà các GS Geoffrey Hinton, Yann LeCun và Yoshua Bengio đã nghiên cứu không ngừng để đẩy lùi ranh giới.
Chuyên gia hàng đầu thế giới về AI nhấn mạnh chỉ riêng thuật toán thôi là không đủ. Cuộc cách mạng học sâu mà thế giới chứng kiến cần một lượng dữ liệu khổng lồ và một nền tảng tính toán tăng tốc (GPU). Chính vì vậy, Giải thưởng Chính VinFuture năm nay còn vinh danh GS Fei-Fei Li, người đã có đóng góp nền tảng cho ImageNet và bộ dữ liệu đi cùng.
Đặc biệt, TS Huang đánh giá cao đóng góp của ông Jensen Huang, người đã tiên phong đem sức mạnh của GPU tới với toàn cộng đồng.
“Sự đóng góp của CEO NVIDIA là vô cùng quan trọng cho sự bùng nổ của cách mạng học sâu”- TS Huang nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, GS Soumitra Dutta, Đại học Oxford (Anh), Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, đánh giá nếu không có những nguồn lực tiên phong từ NVIDIA, những ứng dụng tính toán sẽ không thể chạy được, và không thể cho ra những tính toán hay dự đoán phi thường và sự phát triển thần tốc của AI như chúng ta đã chứng kiến
Là người trực tiếp đề cử CEO NVIDIA, GS Monica Lam (ĐH Stanford, Mỹ), cho biết việc đề cử các chuyên gia về phần cứng là một cách để ghi nhận đóng góp vượt trội của giới công nghệ. Nobel đã vinh danh người làm nghiên cứu về AI nhưng để AI đạt được tác động sâu rộng đến vậy không thể không nhờ đến phần cứng.
Theo GS Lam, thành công thương mại của doanh nhân Jensen Huang là một minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của việc đưa khoa học vào thực tiễn.
Trong khi đó, GS Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, từng chỉ ra một “bất thường” mới xuất hiện trong khoảng 50 năm trở lại đây. Đó là xu hướng quá tách biệt giữa những người làm việc trong ngành công nghiệp với những người chỉ nghiên cứu. Theo ông, để thế giới vận hành tốt phải cần kết nối cả hai.
VinFuture đã chứng minh tầm nhìn cùng lối đi khác biệt khi đánh giá các nghiên cứu một cách toàn diện, trong mối quan hệ đa chiều thay vì chỉ vinh danh các nghiên cứu đơn lẻ.
Nguồn: https://nld.com.vn/vinh-danh-ceo-nvidia-jensen-huang-hoi-dong-giai-thuong-vinfuture-noi-gi-196241208142243504.htm