Tạ Bôn đã có những tháng ngày cuối đời lạc quan, hạnh phúc và vui vẻ bên gia đình. Con trai cả Tạ Tôn từ Mỹ cũng về thăm ông thường xuyên.
Yêu âm nhạc đắm đuối
Nhạc trưởng Lê Ha My là con của nghệ sĩ Văn Hà, bạn cùng thời nghệ sĩ Tạ Bôn. Cùng các nghệ sĩ Trọng Bằng, Đỗ Dũng, Trần Quý…, họ thuộc lứa nghệ sĩ đầu tiên được Chính phủ Việt Nam gửi đi tu nghiệp ở Liên Xô, Trung Quốc, Hungary, Bulgaria.
Lê Ha My nói “âm nhạc là niềm đam mê cháy bỏng cả cuộc đời chú Tạ Bôn”. Kể cả những ngày cuối đời, khi anh chị em của nhà hát đến thăm, chú không nói nhiều về bệnh tật nhưng hễ nhắc đến âm nhạc là mắt ông lại long lanh.
Vợ ông, bà Kim Dung (nguyên phó hiệu trưởng Trường Múa TP.HCM) đùa rằng chồng bà đặt âm nhạc còn trên cả gia đình.
Nghệ sĩ Tạ Bôn luôn có một ghế ngồi danh dự trong các chương trình của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM.
Lúc còn khỏe, dù đã nghỉ hưu 20 năm, nhưng mỗi lần nhà hát tổ chức biểu diễn, nếu không vì lý do bất khả kháng, ông Bôn đều đến dự và có những góp ý, chia sẻ rất thẳng thắn, ấm áp và thân tình cho các nghệ sĩ thế hệ sau.
Theo Lê Ha My, đó là một con người yêu nghề, tận tụy, cả cuộc đời phụng sự và đau đáu cho nghệ thuật.
Nghệ sĩ Tạ Bôn – Ra Khơi
Một tổn thất rất lớn
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam – gọi nghệ sĩ Tạ Bôn là anh.
Ngày xưa đi sơ tán, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, cha ông, đã gửi Đỗ Hồng Quân cho gia đình nghệ sĩ Tạ Phước (cha nghệ sĩ Tạ Bôn) trông nom hộ. Hai gia đình có một mối giao tình rất thân thiết.
Khi Tạ Bôn học xong ở Liên Xô về giảng dạy tại Trường Âm nhạc quốc gia Việt Nam (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam ngày nay), Đỗ Hồng Quân còn bé. Mỗi lần nghe Tạ Bôn giảng bài thì hết sức say mê.
Sau này khi sang Nhạc viện Tchaikovsky học, Đỗ Hồng Quân mới hay những kiến thức đỉnh cao mà Tạ Bôn tiếp thu ở đây rồi về nước truyền thụ lại là vô cùng quý giá.
“Đó là một người anh giỏi giang mà tôi vô cùng ngưỡng mộ”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ với Tuổi Trẻ. Khi nghe tin Tạ Bôn mất, ông Quân vô cùng xúc động, thương tiếc.
Đỗ Hồng Quân cho rằng Tạ Bôn là một tài năng hàng đầu về chuyên ngành violon của Việt Nam. Ngoài biểu diễn, ông còn có công đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ violon của Việt Nam.
Đỗ Hồng Quân cho phải dùng chữ “người thầy” viết hoa mới biểu đạt hết tinh thần tận tụy và trách nhiệm của Tạ Bôn với thế hệ trẻ.
“Sự ra đi của anh Tạ Bôn là một tổn thất lớn cho nhạc cổ điển Việt Nam nói riêng và giới văn học nghệ thuật nói chung. Dù anh không còn nữa nhưng tiếng đàn còn mãi, những bản nhạc được ghi âm vẫn đang được lưu trữ ở Đài Tiếng nói Việt Nam.
Bằng một cách thật đặc biệt, anh luôn sống trong trái tim và lòng mến mộ của công chúng, của học trò, của giới văn nghệ”, Đỗ Hồng Quân nói.
Lễ viếng NSND.GS.TS Tạ Bôn (1942 – 2024) bắt đầu lúc 10h ngày 22-4 tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM). Lễ truy điệu lúc 5h30 và lễ động quan lúc 6h ngày 23-4, an táng tại nghĩa trang Phúc An Viên, TP Thủ Đức, TP.HCM.