GS- NSND Tạ Bôn đã qua đời để lại nhiều tiếc thương cho bạn bè đồng nghiệp và khán giả yêu nhạc. GS-NSND Tạ Bôn sinh năm 1942 tại Thường Tín, Hà Tây trong một gia đình có truyền thống âm nhạc.
Cha GS-NSND Tạ Bôn là nhạc sĩ Tạ Phước, là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội ngày nay). Các anh em của ông đều theo nghiệp đàn dây là Tạ Tuấn, Tạ Đôn (violon), Tạ Huấn (cello).
Vợ ông là NSƯT-NGND Kim Dung. Con gái ông, Tạ Thùy Chi là một nghệ sĩ múa, hiện nay đang làm giảng viên múa của Trường Múa TP HCM. Con trai ông, Tạ Tôn, cũng là một nghệ sĩ violon.
GS-NSND Tạ Bôn bắt đầu học violon với cha từ năm 5 tuổi. Năm 1954, khi mới 12 tuổi, GS-NSND Tạ Bôn đã đi du học Trung cấp âm nhạc khoa violon ở Nhạc viện Bắc Kinh, Trung Quốc.
Năm 1958, ông được chọn đi thi Concours violon Enescu tại Bucharest (Romania) và đã nhận được bằng danh dự Diplome. Cũng trong năm 1958, sau khi tốt nghiệp trung cấp Nhạc viện Bắc Kinh, ông tiếp tục được cử sang học đại học Nhạc viện Tchaikovsky ở Moskva.
Năm 1962, GS-NSND Tạ Bôn nhận Huy chương bạc violon tại Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới tổ chức ở Helsinki (Phần Lan).
Năm 1964, sau khi tốt nghiệp đại học, ông trở về giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam (lúc này đang sơ tán ở Hà Bắc). Từ năm 1965 đến 1968, GS-NSND Tạ Bôn tiếp tục học Nghiên cứu sinh tại Nhạc viện Tchaikovsky.
Năm 1968, GS-NSND Tạ Bôn trở về giảng dạy violon tại Trường Âm nhạc Việt Nam, từng giữ chức Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội.
Năm 1991, ông vào công tác Nhà hát Giao hưởng – Vũ kịch TP.HCM, giảng dạy tại Nhạc viện TP.HCM.
Từ năm 1968, sau khi trở về giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội cùng với GS Bích Ngọc và các giảng viên khác, GS-NSND Tạ Bôn đã góp phần xây dựng giảng dạy nhiều thế hệ nghệ sĩ violon. Nhiều học trò của ông đã trở thành những thành viên nòng cốt của dàn dây Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam.
Lễ viếng GS-NSND Tạ Bôn bắt đầu từ lúc 10 giờ ngày 22-4 tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (quận Gò Vấp, TP HCM).
Lễ động quan diễn ra vào 6 giờ ngày 23-4. Sau đó sẽ được an táng tại Nghĩa trang Phúc An Viên (TP Thủ Đức, TP HCM).
Nguồn: https://nld.com.vn/gs-nsnd-ta-bon-qua-doi-196240421184025295.htm