Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, việc ra mắt Trung tâm dữ liệu Viettel là minh chứng cho cam kết của Viettel trong việc xây dựng hạ tầng số và cũng là hiện thực hóa sứ mệnh hạ tầng số của Viettel.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, lĩnh vực viễn thông bước vào cuộc đổi mới lần 2, từ hạ tầng viễn thông chuyển đổi thành hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số. Ảnh: VT
Các nhà mạng phải đi đầu về hạ tầng dữ liệu
Ngày 10/4, Viettel khai trương Trung tâm dữ liệu (DC) thứ 14 tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là DC đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế công suất cao. Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc có công suất rack cao gấp 3 lần mức trung bình, nhằm đáp ứng xu thế phát triển của AI với yêu cầu về các con chip hiệu năng cao để gia tăng khả năng tính toán. Với 60.000 máy chủ, 2.400 rack, 21.000m2 mặt sàn và tổng công suất điện 30MW, Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc trở thành một trong số các trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, lĩnh vực viễn thông bước vào cuộc đổi mới lần 2, từ hạ tầng viễn thông chuyển đổi thành hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số. Cuộc đổi mới lần 2 này mở ra không gian phát triển mới, rộng hơn nhiều lần cho các nhà mạng trong khi không gian cũ đã hết dữ liệu và suy giảm.
“Luật Viễn thông năm 2023 đã chính thức để cập đến khái niệm hạ tầng số. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đưa khái niệm hạ tầng số vào luật. Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng tính toán và nhất là tính toán cho AI – hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số. Hạ tầng dữ liệu là một bộ phận quan trọng bậc nhất của hạ tầng số. Các nhà mạng viễn thông đã đi đầu về hạ tầng viễn thông, thì nay phải đi đầu về hạ tầng dữ liệu”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, đầu tư các trung tâm dữ liệu là một loại đầu tư mới của các nhà mạng viễn thông. Đầu tư trung tâm dữ liệu phải đi cùng với dịch vụ điện toán đám mây. Nếu không thì chỉ đơn thuần là cho thuê vị trí. Các nhà mạng Việt Nam phải chú ý phát triển dịch vụ cloud và cho thuê cloud. Cứ mỗi 3 năm là dữ liệu thế giới lại tăng cấp đôi. Việt Nam thì tăng nhanh hơn. Việt Nam đang có 32 trung tâm dữ liệu thương mại vừa và nhỏ, với tổng số hơn 20.000 rack, tổng công suất thiết kế là 145 MW. Viettel là nhà mạng lớn nhất về trung tâm dữ liệu Việt Nam, với tổng công suất là 87 MW.
Việc ra mắt Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc hôm nay là minh chứng cho cam kết của Viettel trong việc xây dựng hạ tầng số Việt Nam tiêu chuẩn quốc tế.
Nhân sự kiện này, Bộ TT&TT kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam tăng cường sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây của Việt Nam, nhất là khi hạ tầng, dịch vụ của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới và giá cả cạnh tranh. Tới đây, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định dữ liệu của cơ quan nhà nước phải lưu trữ tại Việt Nam.
Viettel là nhà mạng lớn nhất về trung tâm dữ liệu Việt Nam, với tổng công suất 87 MW. Ảnh: VT
Mỗi người dân có nơi tính toán, lưu trữ trên đám mây an toàn
Phát biểu tại sự kiện, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel cho biết, Viettel sẽ đầu tư cho các DC. Theo lộ trình, tới năm 2025, Viettel sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Tới năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỷ đồng với quy mô 34.000 rack.
Trong quá trình 35 năm hình thành và phát triển, Viettel đã nhiều lần tham gia vào quá trình tạo ra các cuộc bùng nổ và phổ cập các dịch vụ viễn thông và công nghệ. Viettel đã từng có khát vọng mỗi người dân Việt Nam có một chiếc điện thoại di động khi mật độ điện thoại di động ở Việt Nam mới có 4%. Và vì thế Viettel cùng các doanh nghiệp viễn thông phổ cập dịch vụ di động, biến di động từ dịch vụ xa xỉ trở thành dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel cho biết, Viettel sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để mở rộng DC quy mô lên 17.000 rack. Ảnh: VT.
Viettel đã từng có khát vọng mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang băng thông rộng, mỗi người có một chiếc điện thoại smartphone. Và vì thế mà Viettel cùng các doanh nghiệp trong ngành nỗ lực đưa Internet cáp quang đến cửa của từng hộ gia đình. Đến nay, khoảng 90% hộ gia đình đã có đường cáp quang. Tháng 9/2024, theo kế hoạch của Bộ TT&TT, 100% người dùng điện thoại di động ở Việt Nam sẽ có smartphone.
Viettel cũng đã từng có khát vọng làm công nghệ và công nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm điện tử, viễn thông Make in Viet Nam, Make by Viet Nam. Và vì thế mà tập đoàn đã tham gia và sản xuất thành công thiết bị mạng lưới viễn thông như tổng đài, truyền dẫn, trạm phát sóng 4G/5G, các con chip 5G, đưa vào mạng lưới của Viettel, phục vụ người Việt Nam và bắt đầu vươn ra thế giới. Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới sản xuất được những thiết bị này. Và còn nhiều sản phẩm khác nữa.
Đã góp phần làm nên cuộc cách mạng về di động, Internet băng rộng, giờ đây, Viettel sẽ góp phần bùng nổ về điện toán đám mây, phổ cập hóa hạ tầng dữ liệu để góp phần vào phát triển kinh tế số của đất nước.
“Viettel đã sẵn sàng mọi điều kiện để cùng các doanh nghiệp Việt Nam làm bùng nổ điện toán đám mây, hiện thực hóa khát vọng mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi tổ chức, doanh nghiệp sẽ có nơi tính toán, lưu trữ trên đám mây một cách an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, ông Tào Đức Thắng nói.
Tại sự kiện, ông Hoàng Văn Ngọc, Giám đốc Viettel IDC, cho biết Việt Nam được đánh giá là thị trường dữ liệu mới nổi trên thị trường toàn cầu. Nhiều quốc gia đã có chiến lược xây dựng trung tâm dữ liệu với tầm nhìn dài hạn để thúc đẩy kinh tế quốc gia.
Vietnamnet